Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, mỗi cha mẹ đều mong ngóng ngày con cất tiếng khóc chào đời với bao kế hoạch và dự định...
Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, mỗi cha mẹ đều mong ngóng ngày con cất tiếng khóc chào đời với bao kế hoạch và dự định. Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến niềm vui của họ không được trọn vẹn, thay vào đó là những lo âu, thấp thỏm. Mỗi đứa trẻ sinh ra trong thời điểm này dường như có thêm hành trình đặc biệt, có em được sinh ra nơi tâm dịch, có em cùng mẹ trở về chào đời nơi quê hương và cũng có em đồng hành cùng mẹ trong cuộc chiến sinh tử với COVID-19.
|
Niềm vui ngày đoàn tụ của gia đình chị Trang |
Con khóc, Thi vội bế con, đứa con đầu lòng hơn 3 tháng tuổi, ngoan ngoãn đón nhận dòng sữa, yên bình trong vòng tay, hơi ấm của mẹ.
Gần 4 tháng trước, nghe tin Lâm Đồng tạo điều kiện đón thai phụ, sản phụ về quê, đang mang thai tuần thứ 35, Đặng Thị Mỹ Thi, 29 tuổi (ngụ tại Phường 3, quận Tân Bình) cùng chồng vội gói ghém hành lý, hoàn tất mọi thủ tục để về Đà Lạt sinh con.
Nhìn con âu yếm, Thi kể: “Thời điểm đó, TP Hồ Chí Minh xung quanh đều có dịch, để an toàn cho con, mình chọn rời Tân Bình, về quê nội sinh con”.
Sau khi được hướng dẫn cặn kẽ các quy định, biện pháp phòng dịch, cầm kết quả xét nghiệm COVID âm tính trên tay, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, vợ chồng Thi lững thững bước lên xe. Xe chậm lăn bánh, thành phố náo nhiệt, đông đúc xưa, nay cũng đìu hiu, vắng lặng vì COVID. “Trên xe, mọi người đều mang khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ cẩn thận, lái xe giữ khoảng cách” - Thi nhớ lại.
Sau hơn 6 tiếng, những “hành khách đặc biệt” cũng đã về đến các khu cách ly của tỉnh. Xuống xe mỗi người mỗi tâm trạng, nhưng trong Thi là sự an tâm bởi Lâm Đồng khi này rất ít ca bệnh.
Ngay trong đêm, Thi chuyển dạ, sau khi có kết quả âm tính với COVID, chị được chuyển đến bệnh viện để sinh. Sáng hôm sau, đứa con đầu lòng cất tiếng khóc chào đời trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cha mẹ.
“Sinh con lần đầu, hai vợ chồng đều bỡ ngỡ, lo lắng. Nay dịch bệnh, mình thấy tủi thân khi không có cha mẹ bên cạnh. May là có chồng và các y, bác sĩ cận kề chăm sóc tận tình, mình thấy bớt tủi và an tâm hơn” - Thi chia sẻ.
Không may mắn như Thi, có những bà mẹ đã trải qua cuộc vượt cạn khó khăn, thậm chí phải trải qua phút giây sinh tử đầy thử thách. Một thai phụ đã từng nhiễm COVID-19 đến nỗi không dám nhớ lại những gì đã trải qua khi chúng tôi hỏi để viết bài này. Dù rất muốn hiểu rõ những cảm xúc, khó khăn, nỗi cô đơn của chị lúc đó, nhưng chúng tôi chọn yên lặng để chị có thời gian tìm lại cảm giác yên bình đã mất.
Thật vậy, việc mang thai, sinh con vốn dĩ đã nhiều khó khăn, nhiễm COVID-19 trong điều kiện này thực sự trở thành thử thách đối với họ. Cô đơn, sợ hãi, lo lắng… là những tâm lý khó tránh khỏi, nhưng những bà mẹ ấy, mặc dù không có người thân bên cạnh, họ vẫn thấy mình thật may mắn vì còn đó những y, bác sĩ tận tâm, thấu cảm cảnh ngộ “sinh con thời giãn cách”.
Xúc động hơn là câu chuyện của chị Lê Thị Thùy Trang (39 tuổi) ở thị trấn D’ran, Đơn Dương - người sững sờ nhận tin nhiễm COVID ngay trước ngày sinh. Đến nay, được sống, được ôm con vào lòng chị xem đó như một kỳ tích, phép màu được tạo nên từ sự tận tình của bác sĩ và tình yêu thương của người thân. Có lẽ hơn cả là khát khao làm mẹ đã níu giữ chị ở lại ngay ở giây phút đối diện với tử thần.
Như bao bà mẹ, ở tuần thai thứ 33, mọi sự đi đứng, ăn uống, chị đều rất cẩn thận, hạn chế ra ngoài để giữ an toàn. Khi cảm thấy con ít đạp một cách lạ thường, tim đập nhanh, chị vội đến Trung tâm Y tế huyện để siêu âm. Chỉ vài ngày sau, cảm giác khó thở, tim đập nhanh càng lúc càng nặng hơn - “Nhưng mình vẫn không nghĩ bản thân nhiễm COVID” - chị Trang nhớ lại.
Hai vợ chồng liền thu xếp đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng chỉ lần xét nghiệm nhanh đầu tiên, chồng đã có kết quả dương tính với COVID-19, vài giờ sau, qua xét nghiệm PCR, chị cũng được thông báo dương tính. Sững sờ với kết quả trên tay, đầu chị rối bời với bao suy nghĩ, lo lắng...
Đang điều trị COVID tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, đêm ngày 3/11, chị đột ngột trở nặng, nồng độ oxy trong máu giảm chỉ còn 90%, hình ảnh chụp X-Quang cho thấy phổi bị tổn thương nặng. Sau khi hội chẩn, đội ngũ y, bác sĩ quyết định mổ can thiệp lấy thai sớm. Nằm trên băng ca, chị vẫn cảm thấy bước chân gấp gáp của bác sĩ, rồi dần đi vào mê man...
Cách đó mấy phòng, ở phòng điều trị riêng - mỗi tiếng bước chân lại gần, anh Quang lại thấp thỏm đứng dậy ngóng tin. Một lần, hai lần, rồi ba lần... bác sĩ báo tin. Lòng như lửa đốt, anh bất lực khi không được ở cạnh vợ trong giây phút khó khăn này.
Ca mổ thành công sau hơn 5 tiếng căng thẳng của hơn 30 y, bác sĩ - bé gái chỉ nặng vỏn vẹn 1,9 kg. Tiếng khóc chào đời của trẻ như tiếp thêm động lực để đội ngũ y tế nỗ lực cứu chữa cho người mẹ. Mỗi khi nghĩ lại khoảnh khắc ấy, chị thầm cảm ơn các anh, các chị, bởi chị biết rằng mỗi giây, mỗi phút khi đó là sự căng thẳng, tận tình và vất vả để giành giật hơi thở, sự sống cho chị.
Sau hơn ba ngày mê man, chị dần tỉnh, mơ màng như có ai đó nói: “Chị Trang ơi, cố gắng lên! Con của chị đã khỏe, gắng khỏe ở bên con” - bác sĩ động viên - chị chợt nhớ “mình còn một đứa con!”.
Sau hơn 17 ngày được điều trị tích cực, như một kỳ tích, chị Trang dần hồi phục. Trong suốt khoảng thời gian đó, con của chị được người thân chăm sóc tại phòng riêng. Ở đó, con vẫn chưa cảm nhận hơi ấm của mẹ, vị ngọt của những giọt sữa đầu tiên, nhưng cách đó mấy căn phòng - nơi mà trước đó chị đã may mắn vượt qua cửa ải tử thần - chị vẫn ngắm nhìn con mỗi ngày qua màn hình điện thoại. Ngón tay tí hon, bàn chân bé nhỏ, đôi môi chúm chím... như tiếp thêm niềm tin và nghị lực để chị vượt lên mọi mệt nhọc, tiếp tục chiến đấu với COVID để ở lại bên con.
Ngày chị khỏe lại, biết chồng sau hơn 10 ngày điều trị COVID cũng đã âm tính, cả nhà đoàn tụ bên nhau trong những giọt nước mắt của niềm vui. Lần đầu chị được ôm con trong lòng, nhìn đứa con bé nhỏ, chị như nghẹn lại, không nói thành lời. “Nếu người nhà không nói lại, mình cũng không thể biết bản thân đã trải qua những điều như vậy. Mọi thứ diễn ra quá nhanh” - chị Trang xúc động kể.
Con gái chị nay đã được gần hai tháng, bế con trong lòng, chị tâm sự: “Tới giờ phút này, vẫn thấy mình còn nhiều may mắn vì được các y, bác sĩ quan tâm, tận tình cứu chữa. Mọi người luôn kề cạnh theo dõi sát sao, động viên, nhờ vậy mà mình có thêm sức mạnh, tinh thần lạc quan để vượt qua bệnh tật”.
Kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, không chỉ có câu chuyện của Thi, của chị Trang mà còn hàng trăm câu chuyện xúc động từ những hành trình “vượt cạn đặc biệt” của những bà mẹ khác. Mỗi ca “mẹ tròn con vuông” trong thời điểm này hẳn đều mang trong đó cảm thức sâu sắc và đặc biệt không chỉ đối với họ mà với cả xã hội, không chỉ riêng hôm nay mà kể cả mai sau mỗi khi nhắc nhớ tới “thời COVID”.
NHẬT QUỲNH