Cùng với cà phê và chè chất lượng cao thì cây dâu tằm được xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) xác định là loại cây trồng chủ lực, tạo đột phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương có hơn 68% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số này.
Cùng với cà phê và chè chất lượng cao thì cây dâu tằm được xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) xác định là loại cây trồng chủ lực, tạo đột phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương có hơn 68% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số này.
|
Gia đình chị Bùi Thị Nguyên có thu nhập ổn định từ ngày chuyển đổi sang nghề trồng dâu nuôi tằm |
Dọc những con đường liên thôn, liên xóm đang trong không khí khẩn trương hoàn thành sửa chữa tại xã Lộc Tân những ngày cuối năm, không khó để bắt gặp màu xanh tốt của vườn dâu tằm giữa vườn cà phê đang mùa thu trái. 210 ha là con số thống kê chưa đầy đủ về diện tích trồng dâu mà toàn xã Lộc Tân hiện có. Dẫn chúng tôi đến thăm những vườn dâu giống mới xanh mướt, anh Bùi Văn Bình - cán bộ khuyến nông xã Lộc Tân cho biết: Người dân trong xã bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm từ năm 2019 trở lại đây.
Vốn đầu tư ban đầu không nhiều, thu hồi vốn nhanh, kỹ thuật chăm sóc không khó,... nghề trồng dâu nuôi tằm đã từng bước giúp nhiều người dân ở xã Lộc Tân dần thoát khỏi khó khăn, cải thiện cuộc sống. Đang tất bật thu hoạch lá dâu, chị Bùi Thị Nguyên (Thôn 3) chia sẻ, mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng thời gian qua, giá kén vẫn duy trì ở mức cao, có thời điểm lên đến 190.000 đồng/kg khiến bà con nuôi tằm vô vùng phấn khởi. Với 6 sào trồng dâu được bắt đầu chuyển đổi từ năm 2017, trung bình mỗi tháng, chị Nguyên nuôi từ 3 đến 4 hộp tằm con. Dù suốt ngày tất bật, bận rộn với nghề “ăn cơm đứng”, cả nhà chị vẫn cảm thấy hài lòng hơn so với trồng cà phê như trước đây. Chị nói: “Trồng cà phê thì mỗi năm chỉ thu được một lần, năng suất thấp lại tốn nhiều chi phí nên tôi phải đi làm công nhân ở công ty để có thêm tiền ăn hàng ngày cho gia đình. Bây giờ có nghề trồng dâu nuôi tằm, gia đình có thu nhập ổn định hàng ngày, hàng tháng. Làm giàu thì chúng tôi chưa nghĩ đến, nhưng ít nhất là không còn phải lo từng bữa ăn như ngày trước”.
Cùng với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, hiệu quả kinh tế thấy rõ, nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung tâm Nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cũng giúp bà con mạnh dạn hơn trong quá trình chuyển đổi. Hàng năm, Nhà nước đều có chương trình hỗ trợ bà con nông dân về nông cụ nuôi tằm, cây giống, kỹ thuật chăm sóc và phương pháp nuôi mới. Riêng năm 2021, toàn xã Lộc Tân được hỗ trợ trồng 13,5 ha dâu mới, mỗi sào được Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng là chi phí cho cây giống, phân bón. Trong năm, diện tích cây dâu toàn xã tăng 25 ha. Giá kén trong năm bình ổn, dao động từ 120.000 - 177.000 đồng/kg, giúp đời sống của bà con nông dân từng bước ổn định và nâng cao.
Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lộc Tân cho biết: Điều đáng mừng là không chỉ người Kinh, mà đã có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã học hỏi, phát triển mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm. Từ đó từng bước thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Đại hội Hội Nông dân huyện Bảo Lâm lần thứ V, nhiệm kỳ 2018 - 2023 cũng đã xác định Lộc Tân là xã phát triển kinh tế chủ lực về cây dâu tằm, cùng cây chè chất lượng cao và cà phê.
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm, đến cuối năm 2021, diện tích cây dâu tằm trên toàn huyện là 454 ha/436,3 ha, đạt 104% so với kế hoạch, bằng 146,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cây dâu tằm là 9.976/8.901 tấn, đạt 112% so với kế hoạch và bằng 151,2% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết: Để hỗ trợ người dân từng bước khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm một cách bền vững, bên cạnh việc hỗ trợ về vốn đầu tư cũng như giống cây, kỹ thuật trồng dâu và nuôi tằm, Trung tâm Nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp huyện cũng xác định tầm quan trọng của việc sản xuất theo chuỗi liên kết. Làm sao để từ khâu giống, chăm sóc và tiêu thụ đều được đảm bảo ổn định cho người nông dân yên tâm mở rộng sản xuất.
Trong thời gian tới, huyện Bảo Lâm tiếp tục tập trung đầu tư phát triển diện tích cây dâu tằm chuyên canh tại các xã Lộc Tân, Lộc Đức, Lộc Nam, B’Lá; nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm tại các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm. Đồng thời hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi tằm theo kỹ thuật mới cho tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
VIỆT QUỲNH