Năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam...
Năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Với đội ngũ công nhân viên chức, người lao động Lâm Đồng, năm 2021 cũng là một năm đầy khắc nghiệt. Và, sự khó khăn đã đặt những người làm công tác công đoàn Lâm Đồng tìm những lối mở, thích ứng với đại dịch, đồng hành chia sẻ cùng người lao động toàn tỉnh.
|
Tổ chức bữa ăn tập thể cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ” tại Công ty Chè Long Đỉnh, Lâm Hà |
•
NHỮNG NGÀY KHÓ KHĂN
Suốt từ năm 2020 cho tới khi bùng phát đợt dịch thứ 4 vào tháng 4/2021 và kéo dài tới hiện tại, hoạt động kinh tế của Lâm Đồng gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống doanh nghiệp phục vụ du lịch thương mại gần như đình trệ, nông nghiệp đứt quãng, xuất khẩu giảm sút do thị trường thế giới trầm lắng vì đại dịch COVID-19. Không chỉ thế, để đảm bảo an toàn tính mạng con người, truy vết phòng dịch, nhiều người lao động phải cách ly chữa bệnh, phòng bệnh. Công việc khó khăn, nghỉ việc, nỗi lo sợ dịch bệnh khiến cuộc sống của người lao động thêm bấp bênh.
Ở các địa phương có đông doanh nghiệp sản xuất, sự ảnh hưởng tới người lao động nặng nề hơn các địa phương khác. Với Lâm Đồng, các thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng, mức độ ảnh hưởng đến đội ngũ công nhân, người lao động nhiều thách thức hơn. Đã có những doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất kinh doanh, giảm việc làm, giờ làm..., gây thiệt hại cho doanh nghiệp và đời sống người lao động không được đảm bảo.
Giữa cơn cuồng phong đại dịch, những người làm công tác công đoàn Lâm Đồng tích cực thực hiện hoạt động hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Đầu tiên là công tác tuyên truyền, động viên lực lượng người lao động yên tâm làm việc, tuân thủ quy định của ngành y tế, phối hợp tốt với cơ quan chức năng phòng, chống dịch. Chỉ đạo các công đoàn cơ sở triển khai thành lập và hướng dẫn hoạt động của các “Tổ An toàn COVID-19” tại doanh nghiệp, phối hợp tổ chức các phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “Một cung đường 2 điểm đến”, “Vùng xanh an toàn”... tại địa phương, cơ sở; chủ động đề xuất cho công nhân lao động (CNLĐ) được ưu tiên tiêm vắc xin để duy trì sản xuất.
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và các cấp công đoàn đã kịp thời chăm lo và thực hiện tốt các chính sách đối với đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trong dịch bệnh; kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động thông qua hỗ trợ cho 1.737 đoàn viên, CNLĐ với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ các đơn vị tuyến đầu và đoàn viên tham gia phòng, chống dịch tổng số tiền trên 1,115 tỷ đồng. Vận động đoàn viên, CNVCLĐ ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình “Chuyến xe yêu thương” ủng hộ người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh chống dịch, các cấp công đoàn trong tỉnh tích cực đóng góp, hỗ trợ trên 100 tấn hàng hóa, trên 900 triệu đồng tiền mặt, ước tính giá trị gần 11 tỷ đồng chuyển đến nhân dân và CNVCLĐ các tỉnh bị ảnh hưởng dịch bệnh.
•
THÍCH ỨNG VỚI TÌNH HÌNH MỚI
Vượt qua dịch bệnh, lực lượng CNVCLĐ và các cấp công đoàn Lâm Đồng vẫn hăng say lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chăm lo cho quyền lợi chính đáng của người lao động. Thích ứng với trạng thái “Bình thường mới”, tổ chức công đoàn Lâm Đồng linh hoạt trong mọi hoạt động, vừa đảm bảo an toàn, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức, linh động sáng tạo trong các hoạt động để thích ứng với tình hình thực tế. Trong đó, hạn chế những hoạt động bề nổi, tập trung cho công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tại các CĐCS có đoàn viên tạm thời mất việc làm, nguồn kinh phí được tổ chức công đoàn chuyển khoản nhanh chóng tới từng đoàn viên. Với người lao động bị cách ly, chữa bệnh; kinh phí hỗ trợ cũng được chuyển tới cho người lao động kịp thời nhất để đảm bảo người lao động có thêm nguồn thu nhập chi trả các chi phí sinh hoạt.
Các cấp công đoàn xác định đổi mới hoạt động truyền thông công đoàn, đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội nhằm thông tin kịp thời đến đoàn viên, CNVCLĐ tình hình và các giải pháp phòng, chống dịch. Tổ chức công đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về những hoạt động của tổ chức công đoàn, nhất là vai trò đại diện, chăm lo của công đoàn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. LĐLĐ tỉnh và các công đoàn cấp trên cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến như tổ chức các hội nghị, tổ chức tập huấn cán bộ công đoàn, tổ chức tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát... để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tiết kiệm được thời gian, kinh phí. Các hoạt động trên đều là hoạt động mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
DIỆP QUỲNH