(LĐ online) - Quần thể hàng trăm cây thông đỏ, nhóm IA có tuổi đời hàng trăm năm sừng sững giữa đại ngàn. Đây là quần thể gỗ quý hiếm, là thành quả của cả một quá trình cam go bảo vệ của các cấp, ngành chức năng để gìn giữ báu vật này cho mai sau.
|
Hàng chục cây thông đỏ cao 25 - 30 mét, thân cây già có vỏ xù xì, rộng lớn đến mức 3 - 4 người ôm không hết |
Từ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, người đi đường dễ dàng trông thấy quần thể thông đỏ mọc sừng sững xanh rì quanh năm trên dãy núi Voi. Trong thời điểm số lượng thông đỏ ngày càng cạn kiệt trong tự nhiên thì sự tồn tại của quần thể này sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm.
Anh Bùi Đình Trung - Trạm trưởng Trạm Quản lý chuyên trách Bảo vệ rừng số 1, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết: Hiện, đơn vị đang có 5 cán bộ, nhân viên, phụ trách quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích 60.000 ha, tại 8 tiểu khu thuộc 3 xã Hiệp An, Liên Hiệp và Hiệp Thạnh. Trong đó, có quần thể thông đỏ với số lượng khoảng 230 cây, có tuổi đời từ 30 năm đến hàng trăm năm tuổi tại các Tiểu khu 268, 277A, trải dài từ xã Hiệp Thạnh đến xã Hiệp An.
|
Ông Ha Thiêng có 12 năm liền tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, đặc biệt là bảo vệ quần thể thông đỏ tại địa phương |
Thời điểm tết cũng là lúc những người làm công tác bảo vệ rừng như anh bước vào cao điểm thực hiện nhiệm vụ của mình, bởi tình hình phá rừng thường diễn biến phức tạp. Trong khi đó, rừng thông đỏ cổ thụ lại là một trong những tâm điểm mà các nhóm lâm tặc để mắt tới, thế nên hoạt động tuần tra, bảo vệ được tăng cường dày hơn.
Trên chiếc xe máy “đặc chủng”, chúng tôi băng cắt qua những ngọn đồi ở thôn Đarahoa xã Hiệp An. Tổ tuần tra do anh Bùi Đình Trung dẫn đầu. Di chuyển thêm tầm 3 km đường rừng, những cây thông đỏ cổ thụ lần lượt hiện ra, chúng vẫn còn nguyên vẹn. Hàng chục cây thông đỏ vút cao 25 - 30 mét, thân cây già có vỏ xù xì, rộng lớn đến mức 3 - 4 người ôm không hết. Men theo con đường mòn, tổ kiểm tra tiếp tục di chuyển về hướng đỉnh núi Voi, cứ khoảng vài chục mét, đoàn lại lại gặp thêm nhiều cây thông đỏ to lớn nằm thành cụm 5 - 10 cây, mỗi cây cách nhau chừng 20 mét. Trong quá trình đi tuần, các nhân viên bảo vệ rừng còn mang theo máy định vị và thước dây để đo kích thước và đánh dấu tọa độ những cây thông đỏ có kích thước đồ sộ.
|
Mỗi gốc thông đỏ được các nhân viên bảo vệ rừng đánh dấu số cây để định vị, đánh dấu tọa độ để thuận tiện cho việc bảo vệ và quản lý |
Theo anh Bùi Đình Trung, thông đỏ là loại cây thuộc “nhóm IA”, loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Chúng được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, cây gỗ thông đỏ được phân bố tại hẻm núi các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hoà. Chúng sinh trưởng ở độ cao từ 1.300 - 1.700 m. Cũng vì đây là loại cây gỗ quý nên lâm tặc cứ nhòm ngó, điều này càng gây áp lực cho công tác bảo vệ rừng.
Mặc dù hiện tại, quần thể thông đỏ tại núi Voi đã được bảo vệ an toàn, nhưng trong tương lai vẫn đang tiềm ẩn các mối đe dọa đối với rừng thông đỏ này vì giá trị của nó quá lớn. Do đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh đã đưa hoạt động bảo vệ rừng thông đỏ tại vào diện đặc biệt.
|
Mặc dù số lượng quần thể thông đỏ trên địa bàn huyện Đức Trọng khá lớn nhưng đang được người dân khoanh nuôi, bảo vệ hiệu quả |
Ngoài lực lượng chuyên ngành, công tác bảo vệ rừng thông đỏ còn có sự chung tay rất lớn của 60 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, tham gia nhận khoán trên diện tích 1.400 ha.
Ông Ha Thiêng (55 tuổi) - Tổ trưởng Tổ nhận khoán cộng đồng thôn Đarahoa, xã Hiệp An, người có 12 năm liền tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tại địa phương cho biết: Hiện, tổ có 20 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích gần 500 ha. Trong đó, trọng tâm là bảo vệ quần thể thông đỏ.
Theo ông Ha Thiêng, người dân trong thôn ai cũng biết về giá trị của loại gỗ này nên rất có ý thức bảo vệ. Chính vì vậy, mấy chục năm nay, người dân đã tự ý thức và có trách nhiệm rất cao trong việc bảo vệ nguồn thông đỏ quý hiếm này. Hàng ngày, các hộ dân sẽ phân công, luân phiên để cùng với cán bộ lâm nghiệp đi tuần tra, bảo vệ rừng. Khi phát hiện những đối tượng lạ mặt sẽ thông báo đến chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp ngăn chặn nếu có ý định xâm hại tài nguyên rừng, đặc biệt là thông đỏ.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết: Để bảo vệ quần thể thông đỏ tại núi Voi, đơn vị đã thành lập nhiều tổ đi tuần tra, chốt ở trong rừng, phân công cho cán bộ, nhân viên luôn túc trực 24/24 để sẵn sàng xử lý khi có tình huống vi phạm xảy ra. Bên cạnh đó, đơn vị còn hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 60 hộ dân địa phương để họ cùng đơn vị bảo vệ. Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung xây dựng mạng lưới thông tin ở cơ sở nên có nhiều vụ đã truy bắt được đối tượng vi phạm.
Theo ông Nguyễn Văn Nhẫn, mặc dù số lượng quần thể thông đỏ trên địa bàn huyện Đức Trọng khá lớn nhưng đang được người dân khoanh nuôi, bảo vệ hiệu quả. Trong tình trạng rừng Tây Nguyên liên tục bị tàn phá, số lượng gỗ quý hiếm dần biến mất vì bọn lâm tặc, "kiểm lâm đen" và những cán bộ không làm tốt trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng thì việc bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đarahoa, xã Hiệp An cùng với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ quần thể thông đỏ, loài cây với nguồn gen quý hiếm cho đời sau là việc làm rất đáng được trân trọng, ghi nhận.
NGỌC NGÀ - HOÀNG SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin