Đam Rông năm mới sinh khí mới

07:01, 01/01/2022
Cuối tháng mười, chúng tôi có buổi làm việc với Huyện ủy Đam Rông, anh Nguyễn Văn Lộc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy chia sẻ niềm vui và gửi gắm niềm tin, sự quyết tâm của huyện nhà với khách: “Rất vui là huyện Đam Rông chúng tôi cùng với 3 trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng là thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành riêng Nghị quyết phát triển từ nay đến tầm nhìn năm 2045”. 
 
Toàn cảnh trung tâm hành chính huyện Đam Rông
Toàn cảnh trung tâm hành chính huyện Đam Rông
 
CHẶNG ĐƯỜNG TỪNG BƯỚC ĐI LÊN 
 
Thời gian qua, cơ cấu kinh tế huyện Đam Rông chuyển dịch đúng định hướng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 12,1%/năm; tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 9,5%; thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt 86,3 triệu đồng/ha năm 2020; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng bình quân đạt 11,1%/năm; thương mại, dịch vụ đạt 15,7%/năm; hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư khá đồng bộ và từng bước hoàn thiện; kinh tế nông nghiệp nhiều chuyển biến; diện mạo nông thôn khởi sắc. Cùng đó, giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đầu tư, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng; thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đạt kết quả khá tốt. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,46%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm còn 11,7%. Quốc phòng, an ninh giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường, củng cố.
 
Vùng đồng bào DTTS tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách của tỉnh và sự tham gia hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Nhờ đó, đời sống người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo ngày càng được cải thiện. Đến cuối năm 2020, toàn huyện Đam Rông có 4/8 xã thoát khỏi khu vực III; 27/53 thôn thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn...
 
Trẻ em dân tộc H’Mông với niềm vui được đến trường.
Trẻ em dân tộc H’Mông với niềm vui được đến trường.
 
•  ĐƯỜNG HƯỚNG RÕ RÀNG, ĐÍCH ĐẾN CỤ THỂ
 
Đam Rông là huyện đang áp dụng các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Nghị quyết số 07/NQ/TU, ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là sự quan tâm đặc biệt hơn nữa của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của tỉnh và của huyện. Bằng nỗ lực của con người, phát huy những tiềm năng, Đam Rông sẽ phát triển trước mắt lẫn dài hơi.
 
Những mục tiêu lớn được Tỉnh ủy Lâm Đồng đặt ra là: Đến năm 2025, Đam Rông đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thoát nghèo bền vững; thu nhập bình quân của người dân tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; trung tâm Bằng Lăng và xã Đạ Rsal cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại V. Đến năm 2030, Đam Rông là huyện phát triển trung bình của tỉnh; thu nhập và đời sống của người dân bằng mức bình quân chung của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội huyện, Tỉnh lộ 722. Hoàn thành một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dọc Tỉnh lộ 722, 724 và khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng. Trên nền tảng này, tầm nhìn đến năm 2045 Đam Rông là huyện phát triển khá của tỉnh, tự cân đối được ngân sách; tỷ lệ đô thị hóa trên 40%; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đạt mức khá cao.
 
Để đạt được những kết quả trên, có 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp với nhiều nội dung cụ thể. Đó là, Tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững; hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới (Phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giữ rừng, phát triển rừng, khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản; Quản lý và thực hiện tốt quy hoạch; hoàn thiện hạ tầng đô thị và các tuyến giao thông đối ngoại trọng yếu; Xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù; Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Chăm lo xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc. 
 
Chuối Laba là mặt hàng đặc sản xuất khẩu trên nhiều thị trường thế giới.
Chuối Laba là mặt hàng đặc sản xuất khẩu trên nhiều thị trường thế giới.
 
•  NIỀM VUI “KHÚC DẠO ĐẦU” 
 
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh về một vài kết quả từ việc phát huy lợi thế, tiềm năng của huyện Đam Rông với chúng tôi: Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện trên 87.000 ha, trong đó, hơn 70% đất lâm nghiệp, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 65%. Năm 2021, toàn huyện vẫn duy trì giao khoán, quản lý bảo vệ trên 39.064 ha rừng, trong đó rừng cộng đồng trên 382 ha. Hiện, huyện Đam Rông có đội ngũ công chức, viên chức đạt chuẩn trình độ tỷ lệ cao; trong đó, có hơn 1.700 đảng viên... Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không còn là chuyện lạ lẫm với Đam Rông. Đã phát triển 17 ha sản xuất trong nhà kính; 98,5 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 10 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ; 4 mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh (mô hình IoT). Huyện có trên 475 ha dâu tằm, 500 ha sầu riêng, có tiềm năng nuôi cá nước lạnh và cây ăn trái...
 
Cuối tháng 12, chúng tôi được chia sẻ thêm nhiều thông tin cập nhật năm 2021 của huyện Đam Rông, qua trao đổi với Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Liêng Hót Ha Hai. Tổng giá trị sản xuất (GO) theo giá so sánh đạt 3.215.635,6 triệu đồng, đạt 109,95% kế hoạch, tăng 7,7% so với cùng kỳ; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.513.775 triệu đồng, bằng 104,8% kế hoạch, tăng 20,15% so với cùng kỳ; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 77.920 triệu đồng, bằng 144% kế hoạch; Tổng sản lượng lương thực đạt 17.287 tấn, bằng 100,55% kế hoạch, bằng 88,06% so với cùng kỳ. 
 
Về lĩnh vực xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,45%, giảm 2% (kế hoạch giảm trên 1,5% giai đoạn 2016-2020); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) giảm còn 23,99% (kế hoạch 24%); Huyện thêm xã Đạ K’Nàng đạt chuẩn nông thôn mới, nâng lên 4 xã, cùng với Đạ Rsal, Rô Men, Phi Liêng. Bốn xã còn lại (Đạ Long, Đạ M’Rông, Liêng Srônh và Đạ Tông) đạt từ 15-17 tiêu chí. Đam Rông hiện có 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 97,5% hộ dân được sử dụng điện; 93,5% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Cả 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 26/36 trường học đạt chuẩn quốc gia. Đạt chuẩn văn hóa có trên 96% thôn, gần 93% cơ quan, đơn vị và 85% hộ gia đình...
 
Huyện Đam Rông đang vận hành hiệu quả về thực hiện Nghị quyết 4 của Đảng bộ huyện. Và, Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy là cú hích mạnh giúp huyện sớm thoát danh xưng huyện nghèo. “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân”, huyện Đam Rông khởi đầu từ sự chuyển mình thực sự mạnh...
 
MINH ĐẠO