Là địa phương vùng sâu, vùng xa với phần đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mức sinh còn cao, huyện Đam Rông đã nỗ lực thực hiện các chính sách về dân số và phát triển nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
|
Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em DTTS được các địa phương cũng như đơn vị trường học ở Đam Rông quan tâm thực hiện. Ảnh: Hồng Thắm |
Theo số liệu thống kê, Đam Rông là địa phương có mức sinh cao với 2,4 con (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ); tỷ suất tăng dân số tự nhiên vẫn còn cao, dao động từ 16,20%o - 16,88%o, đặc biệt tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tương đối cao so với mặt bằng chung của tỉnh (14,8% năm 2020). Cùng với đó, hạ tầng cơ sở chăm sóc sức khỏe và thông tin còn kém phát triển, cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ít, chất lượng dân số thấp, đặc biệt, tình trạng kết hôn cận huyết thống, tảo hôn trong đồng bào DTTS vẫn còn xảy ra. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao, tầm vóc và thể lực người dân chậm cải thiện… Một trong những nguyên nhân chính là do phân bố dân số, quản lý nhập cư, di cư còn nhiều bất cập, người dân chủ yếu là đồng bào DTTS sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa, các tiểu khu… sinh nhiều con khó quản lý, khó tiếp cận đối tượng; tỷ lệ các bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh, trẻ em được sàng lọc sơ sinh còn thấp.
Bên cạnh đó, ngành Y tế còn thiếu cán bộ y tế lành nghề, nhất là các nữ hộ sinh và các bác sĩ có chuyên môn cao về sản phụ khoa. Đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, buôn trình độ, nghiệp vụ còn hạn chế. Đồng thời, tổ chức bộ máy làm công tác dân số không ổn định, thường xuyên thay đổi làm cho tư tưởng, tâm tư của cán bộ, viên chức trong ngành không yên tâm công tác…
Theo UBND huyện Đam Rông, trước thực trạng này, địa phương đã nỗ lực thực hiện các chính sách về dân số và phát triển, xem công tác dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và toàn xã hội. Công tác dân số trên địa bàn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở.
Đặc biệt, công tác giáo dục, truyền thông được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức từ các cấp, các ngành và của người dân về công tác dân số và phát triển, tập trung giảm mức sinh, tuyên truyền bình đẳng giới… Trong đó, vận động và phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền; lồng ghép nội dung dân số và phát triển vào các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa; đổi mới đa dạng các hình thức, phương pháp truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là các hoạt động truyền thông trực tiếp tại nhà, tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền, nhân viên y tế thôn, bản cùng với truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ đó, tốc độ gia tăng dân số, cơ cấu dân số từng bước chuyển dịch tích cực, dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được tư vấn, tuyên truyền và cung cấp các phương tiện tránh thai; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của đồng bào DTTS tăng lên, góp phần hạn chế sự gia tăng dân số tự nhiên, giảm mức sinh cũng như tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Tỷ lệ các bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, trẻ em được sàng lọc sơ sinh được nâng lên, phụ nữ mang thai là đồng bào DTTS được khám thai định kỳ và đã đến cơ sở y tế để sinh con. Người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi và khám sức khỏe định kỳ tại trạm y tế được quan tâm. Tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS được kiềm chế… Việc triển khai đồng bộ công tác dân số của huyện Đam Rông đã làm chuyển biến nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân về thực hiện chính sách dân số, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
VIỆT HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin