Đơn Dương: Nỗ lực bảo vệ môi trường ở huyện nông thôn mới

06:01, 05/01/2022
Là huyện đầu tiên của Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, đến nay, Đơn Dương không ngừng nỗ lực bảo vệ môi trường nông thôn của mình, tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh đầu tiên của Lâm Đồng và cả nước. 
 
Xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà máy Công ty Công nghệ Môi Trường Xanh Đà Lạt tại xã Ka Đô, Đơn Dương
Xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà máy Công ty Công nghệ Môi Trường Xanh Đà Lạt tại xã Ka Đô, Đơn Dương
 
  NHỮNG NỖ LỰC
 
Với tổng diện tích tự nhiên trên 61.135 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 57.561 ha, Đơn Dương là vùng chuyên canh rau thương phẩm lớn nhất Lâm Đồng cũng như lớn nhất trong cả nước hiện nay. Tổng dân cư của huyện hiện nay 28.295 hộ, khoảng 109 nghìn nhân khẩu, sinh sống tại 8 xã, 2 thị trấn trên địa bàn. Trong tổng diện tích 20.303 ha đất nông nghiệp đang trồng trọt của huyện đã có trên 17.760 ha là đất canh tác rau, hoa, trong đó, diện tích rau, hoa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên 10.500 ha. Đây chính là cơ sở để huyện nông thôn mới Đơn Dương hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh đầu tiên của Lâm Đồng và của cả nước hiện nay.
 
Theo ông Hoàng Công Hiếu, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đơn Dương, một trong những tiêu chí huyện luôn quan tâm trong nhiều năm nay trong xây dựng nông thôn mới, đó là công tác bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan của huyện. 
 
Trong nội dung môi trường, huyện chỉ đạo các cấp tham mưu chú trọng công tác quy hoạch, không kêu gọi đầu tư các dự án có khả năng gây ô nhiễm trên địa bàn. Huyện cũng lên kế hoạch di chuyển các cơ sở sản xuất và loại dần chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi các khu dân cư; thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại các khu vực cách xa nơi người dân sống. 
 
Một điểm sáng trong bảo vệ môi trường Đơn Dương gần đây chính là việc huyện đã đưa nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt vào hoạt động trong cuối năm 2020. Trước đây, rác thải sinh hoạt của huyện sau khi thu gom chỉ được chôn lấp tự nhiên tại bãi rác huyện và một số bãi rác nhỏ tự phát trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường về lâu dài. Huyện Đơn Dương trong nhiều năm xem công trình xử lý rác thải là dự án ưu tiên hàng đầu để kêu gọi đầu tư. 
 
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên đặt tại địa điểm bãi rác Ka Đô cũ, rộng khoảng 10 ha, do Công ty Công nghệ Môi Trường Xanh Đà Lạt đầu tư khoảng 60 tỷ đồng xây dựng từ năm 2019. Công suất xử lý rác hiện nay của nhà máy này khoảng 100 tấn/ngày, có thể nâng công suất lên khi cần thiết. Tuy nhiên, toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh được thu gom hằng ngày của huyện hiện nay chỉ chừng 40 - 50 tấn ngày đêm. Huyện lâu nay đã bố trí tổng cộng trên 1.000 thùng rác công cộng tại các khu dân cư và mở rộng việc thu gom rác thải sinh hoạt đến tất cả các địa bàn trên huyện.
 
Để thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên địa bàn, đến nay huyện đã xây dựng 7 kho chứa chất thải nguy hại và bố trí 620 bể chứa tại các khu vực sản xuất để thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Các xã, thị trấn trong huyện cũng thành lập các tổ môi trường do các hội, đoàn thể đảm nhiệm để vận động dân thu gom rác thải, thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đưa vào các bể chứa, định kỳ huyện tổ chức thu gom. 
 
Về cảnh quan môi trường, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đến nay đều đã xây dựng một số công trình cảnh quan tại trung tâm xã, thị trấn như cổng chào, các tiểu công viên, các con đường hoa tạo điểm nhấn. Trong năm 2021, huyện đã cho trồng trên 600 nghìn cây xanh theo chương trình trồng 4,6 triệu cây xanh của huyện trên địa bàn, cây xanh được trồng dọc theo các con đường liên xã, liên thôn, nhất là tại các khu dân cư. 
 
  TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
 
Là huyện với người dân chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp nên theo ông Hiếu, trong quá trình sản xuất, các cơ quan chức năng trong huyện luôn vận động, khuyến cáo người dân thực hiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hạn chế sử dụng nhiều hóa chất trừ sâu gây hại cho môi trường lẫn cho người sử dụng. 
 
Trong quản lý nhà nước, ngành chức năng huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ; hướng dẫn người dân, xử lý các vi phạm về môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh trong kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn các hộ lập hồ sơ môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh để kiểm soát ô nhiễm và là cơ sở pháp lý để thanh tra, kiểm tra. 
 
Huyện cũng giao cho Mặt trận Tổ quốc huyện cùng các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh các cấp triển khai các mô hình bảo vệ môi trường cảnh quan trong các khu dân cư; phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong cộng đồng để xây dựng các mô hình đường hoa, mô hình thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, thu gom rác thải nhựa; tổ chức ra quân Ngày Chủ nhật xanh định kỳ trong tuần thứ 2 hằng tháng; tổ chức các buổi ra quân tuyên truyền vệ sinh môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để nâng cao nhận thức cộng đồng. 
 
Huyện cũng giao UBND các xã, thị trấn chú ý vận động người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; yêu cầu các khu dân cư tổ chức và duy trì các hoạt động vệ sinh môi trường, ra quân khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, nhặt rác thải chỗ công cộng, hướng dẫn người dân xử lý các nguồn chất thải sinh hoạt và chăn nuôi trong khu dân cư. 
 
“Có thể nói, Đơn Dương trong quá trình xây dựng nông thôn mới luôn chú ý đến công tác bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện môi trường sống tốt hơn, nhất là môi trường vùng nông thôn của huyện gần đây đã có bước chuyển biến tích cực” - ông Hiếu nhận xét. 
 
Theo ông Hiếu, Đơn Dương trên bước đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vẫn luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường. “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện luôn gắn liền với sự bền vững lâu dài của môi trường”. Chính vì vậy, bên cạnh sự đầu tư nguồn lực hợp lý của Nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường, ông cho rằng, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân cũng luôn phải được đặt lên hàng đầu để mọi người dân cùng chung tay với các cấp chính quyền xây dựng một môi trường sống bền vững.
 
VIẾT TRỌNG