Lan tỏa mạnh mẽ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

08:01, 01/01/2022
Năm 2021 dịch bệnh bùng phát, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đã thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 5 nội dung của phong trào gồm đoàn kết giúp nhau “xóa đói giảm nghèo”, thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh đã phát huy trong tình hình dịch bệnh. 
 
Hàng ngàn người dân Lâm Đồng đã tham gia thu hoạch rau, hiến tặng vườn rau gửi cho đồng bào vùng dịch.
Hàng ngàn người dân Lâm Đồng đã tham gia thu hoạch rau, hiến tặng vườn rau gửi cho đồng bào vùng dịch.
 
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau vượt qua hoạn nạn, nhiều hộ nghèo bị ảnh hưởng do dịch bệnh được quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở, vốn, giống, khoa học kỹ thuật. Đã có 20.812 người lao động được hỗ trợ với tổng số tiền 9,605 tỷ đồng. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, tỉnh đã hỗ trợ trên 100 tấn hàng hóa, trên 900 triệu đồng tiền mặt ước tính lên đến 11 tỷ đồng cho bà con gặp khó khăn trong đại dịch tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh miền Trung. 
 
Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, người dân toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch của địa phương; thực hiện nếp sống văn minh, không tổ chức cưới xin, đơn giản việc tang để giảm tụ tập đông người; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng; thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện đã được nhân lên. Hàng trăm “Chuyến xe yêu thương” của các cơ quan, đơn vị, các nhóm thiện nguyện đã chở trên 100 tấn rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm đến với đồng bào các tỉnh, thành chia sẻ khó khăn giữa dịch bệnh. Hàng ngàn người dân Lâm Đồng tình nguyện bỏ công thu hoạch rau, củ, quả, phân loại, đóng gói; hàng trăm hộ nông dân đã hiến tặng vườn rau, bán rẻ để hỗ trợ người dân vùng dịch, chia sẻ khó khăn với đồng bào trong hoạn nạn. 
 
Phong trào đã khơi dậy tinh thần yêu thương, sẻ chia, đùm bọc nhau trong khó khăn, hoạn nạn
Phong trào đã khơi dậy tinh thần yêu thương, sẻ chia, đùm bọc nhau trong khó khăn, hoạn nạn
 
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo xuất hiện như mô hình “Tổ phụ nữ sẵn sàng”, mô hình 1 đảng viên giúp đỡ 10 gia đình (Bảo Lộc); mô hình Giáo xứ bình yên không tội phạm của Giáo xứ Lạc Viên (Thạnh Mỹ, Đơn Dương), mô hình Camera an ninh (Đà Lạt), mô hình Tiếng kẻng an ninh (xã Ninh Loan, Đức Trọng); gương bà Cil Múp K’Say (Lạc Dương) hiến 1.500 m2 đất để làm đường cho bà con đi lại thuận tiện; tấm gương anh Vũ Trung Hiếu với tinh thần xung kích và nhiệt huyết (Phường 5, thành phố Đà Lạt) đã đến tỉnh Bắc Giang, nơi tâm dịch trong đợt dịch COVID lần thứ 4 bùng phát hỗ trợ 100 triệu đồng và tình nguyện tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ chống dịch, tham gia lắp ráp giường, quạt tại Bệnh viện dã chiến số 2 - nơi tiếp nhận chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. 
 
Xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư văn hóa là nền tảng của phong trào, thực hiện mỗi gia đình, mỗi khu dân cư là một vùng xanh, là “pháo đài xanh” vững chắc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngày 11/6/2021, Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh đã chỉ đạo việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ COVID cộng đồng trong công tác giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại khu dân cư. Mỗi thôn, tổ dân phố trở thành tổ COVID cộng đồng lập chốt ở nơi ra vào khu dân cư với 8 - 10 thành viên gồm: Bí thư chi bộ (tổ trưởng), trưởng thôn (tổ phó), các thành viên là trưởng ban Mặt trận, công an viên, thôn đội trưởng, người dân tự quản... thay phiên nhau trực 24/24. Khi trong khu dân cư có người ngoài tỉnh trở về hoặc có người lạ ra vào sẽ thực hiện khai báo y tế, nắm bắt thông tin kịp thời để xác minh, báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các tổ COVID-19 cộng đồng còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh, khi phát hiện người nào có biểu hiện ho, sốt báo ngay với trạm y tế xã để theo dõi sức khỏe, rà soát các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc cần sự giúp đỡ để có biện pháp hỗ trợ, tuyên truyền người dân thực hiện “5K”, vận động 99,99% người dân trong độ tuổi tham gia tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 theo từng đợt quy định; thực hiện tốt các quy định không tụ tập đông người, thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch trong việc cưới, việc tang. 
 
Đoàn kết chung tay tôn tạo cảnh quan, môi trường sống làm nên những vùng quê đáng sống
Đoàn kết chung tay tôn tạo cảnh quan, môi trường sống làm nên những vùng quê đáng sống
 
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh khẳng định: “Thành quả 20 năm xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH đã trở thành nền tảng vững chắc để thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19”. Giữa tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp càng làm sáng rõ các giá trị mà phong trào gây dựng trong suốt những năm qua. Sự cố kết cộng đồng sẻ chia, đùm bọc vượt qua khó khăn, hoạn nạn, chung tay, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. 
 
Mỗi gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa trở thành “pháo đài xanh” quyết tâm bảo vệ vùng xanh, không để dịch bệnh lây lan”.
 
Qua đó, phong trào đi vào chiều sâu thực chất, nâng cao chất lượng xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Năm qua, toàn tỉnh có 285.218/315.065 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 90,5%; có 1.309/1.376 thôn, tổ dân phố được công nhận, công nhận lại danh hiệu văn hóa, đạt 95% ; 107/111 xã được công nhận và công nhận lại danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt 96,4%; 27/31 phường, thị trấn đạt “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, chiếm tỷ lệ 88%; 1.527/1.557 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt 98%. Trong năm, UBND tỉnh đã công nhận lại danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020) cho 315 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phong trào đã tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, tạo cho người dân ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, trọng nghĩa tình, có lối sống văn hóa; kỷ cương của xã hội được đề cao, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội.
 
QUỲNH UYỂN