Lâm Đồng đã xác định các giải pháp phòng, chống thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025, trong đó tăng cường phối hợp của các lực lượng chức năng, lực lượng phản ứng nhanh để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn và giảm thiểu tối đa thiệt hại…
|
Toàn tỉnh Lâm Đồng đã thiệt hại 121 ha nhà kính và nhà lưới do thiên tai gây ra. |
• ƯỚC TỔNG GIÁ TRỊ THIỆT HẠI 1.419 TỶ ĐỒNG
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 10 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 265 đợt mưa lớn, lũ quét, mưa đá; 153 đợt lốc xoáy; 22 vu sạt lở đất; 18 vụ sét đánh; 9 đợt hạn hán và sương muối... Hậu quả thiệt hại về người gồm: 45 người chết, 36 người bị thương. Thiệt hại tài sản 52.706 ha cây trồng, 8.829 căn nhà, 121 ha nhà kính và nhà lưới, 287 ha ao cá, chết 445 con gia súc và gần 47.000 con gia cầm. Hư hỏng gần 22,5 km đường giao thông, 12 công trình thủy lợi, 95 cầu cống , sạt lở 6,7 km kênh mương… Ước tổng giá trị thiệt hại 1.419 tỷ đồng.
Trong đó, các loại hình thiên tai như lũ, lũ quét, ngập lụt… thường xảy ra trong thời gian khoảng 2 ngày, nhưng do địa hình nhiều đồi dốc, tốc độ dòng chảy nhanh, nên dự báo rủi ro cấp 1 và cấp 2. Tương tự loại hình thiên tai bão, áp thấp hàng năm đổ bộ vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng không nhiều, nhưng thường ảnh hưởng gián tiếp, gây mưa lớn trên diện rộng làm úng ngập, lũ quét, cây ngã đổ... Từ đó rủi ro có thể xảy ra các cấp độ 3, 4, 5; đặc biệt nguy hiểm ở các vùng hạ du khi hồ thủy điện Đơn Dương xả lũ lớn. Về hiện tượng giông sét hàng năm thường xảy ra với cấp độ 1 rủi ro, chủ yếu tập trung địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Riêng tình trạng hạn hán thường xuất hiện ở vụ Đông Xuân tại địa bàn các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm với cấp độ rủi ro 1 và rủi ro 2. Ngoài ra, với hiện tượng sương muối xảy ra ở các vùng nông nghiệp thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương khi thời tiết, nhiệt độ ngày và đêm thay đổi bất thường, rủi ro thiên tai có thể xảy ra ở cấp độ 1 và cấp độ 2…
“Với vị trí nằm phía Nam khu vực Tây Nguyên, cách đường bờ biển hơn 100 km, nên tỉnh Lâm Đồng không bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như xâm nhập mặn, sóng thần, nước biển dâng, gió mạnh trên biển. Lâm Đồng cũng rất ít khi bị ảnh hưởng các loại hình thiên tai có sức tàn phá lớn như bão, siêu bão, động đất mà chỉ bị tác động bởi các loại hình thiên tai mang tính đặc thù của khu vực như hạn hán, mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ, lũ quét, lốc sét, sạt lở đất, sương muối, cháy rừng tự nhiên…”, nhận định của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng.
• PHÒNG NGỪA CHỦ ĐỘNG, ỨNG PHÓ HIỆU QUẢ
Trước những dự báo nêu trên, biện pháp tổng thể trong phòng, chống thiên tai trong 4 năm tới, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng trước hết rà soát, bổ sung các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; chính sách phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiết kiệm nước... Đặc biệt, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng về các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi trên địa bàn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống sản xuất của Nhân dân.
Với nguyên tắc chỉ đạo “đảm bảo chủ động trong phòng ngừa; kịp thời, hiệu quả trong ứng phó; khắc phục khẩn trương, khôi phục, tái thiết bền vững và xây dựng lại tốt hơn”, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, năng lực phòng, chống thiên tai, xử lý tình huống, điều hành tại chỗ của các cấp, các ngành, lực lượng phòng, chống thiên tai từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”…
“Mục đích chung đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực, tính chủ động cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, xây dựng địa phương có khả năng quản lý rủi ro cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội...”, Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
VĂN VIỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin