45 năm trên miền quê mới

02:02, 04/02/2022
Trên vùng đất hoang vu đầy cỏ gai, bụi rậm, sình lầy ngày ấy, trải qua 45 năm từ những người đi tiền trạm, khai hoang mở đất đến những thế hệ tiếp nối đã xây dựng nên một vùng quê mới Nam Ban, Lâm Hà trù phú. Trong những người con thủ đô đi tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới trên cao nguyên Lâm Đồng ngày ấy, nhiều người vẫn gắn bó với vùng đất do mình góp công khai phá và đang cùng thế hệ con cháu “viết tiếp bài ca xây dựng” quê mới Nam Ban tiếp tục khởi sắc.
 
Những người đi khai hoang mở đất trên vùng Nam Ban xưa kể lại những năm tháng cống hiến của tuổi trẻ trên vùng đất mới
Những người đi khai hoang mở đất trên vùng Nam Ban xưa kể lại những năm tháng cống hiến của tuổi trẻ trên vùng đất mới
 
•  KHAI HOANG MỞ ĐẤT
 
Theo hồi ức của những người đi mở đất năm xưa, ngày mùng 6 Tết Bính Thìn năm 1976, khi sắc xuân đang rực rỡ khắp phố phường Hà Nội, 100 thanh niên của thủ đô đã chia tay gia đình, người thân, bè bạn và tạm biệt Hà thành lên đường vào Tây Nguyên, đến miền đất đỏ Lâm Đồng để tiền trạm, mở đường cho cuộc khai phá vùng đất mới. Tiếp sau đó, lần lượt tám tổng đội thanh niên xung kích với hơn 2.000 người từ tất cả các quận, huyện ở nội và ngoại thành Hà Nội cũng đồng loạt lên đường vào vùng đất mới, mở đường, xây dựng kiến thiết và gieo những mầm xanh đầu tiên trên vùng đất đỏ hoang vu. 
 
Những nam thanh, nữ tú của đất Hà thành đi khai hoang mở đất trên vùng đất đỏ hoang vu của Lâm Đồng ngày ấy, nay đã lên chức ông, chức bà và nhiều người đã trên dưới ngưỡng tuổi “thất thập cổ lai hi”. Thế nhưng, khi nói về những năm tháng tuổi trẻ trên miền đất mới, họ vẫn nhớ như in một thời tuổi trẻ cống hiến, trưởng thành với bao gian nan vất vả. Ông Đặng Viết Điều năm nay đã 76 tuổi, hiện đang sống tại tổ dân phố Đống Đa, thị trấn Nam Ban nhớ lại, tháng 12 năm 1976, ông đã cùng với nhiều thanh niên khác của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội lên đường vào tham gia đội lao động tiền trạm trên vùng đất mới Nam Ban. Ngồi xe khách hơn 5 ngày/đêm mới vào đến Lâm Đồng và sau đó được xe tải ZIL ba cầu huyền thoại do Liên Xô sản xuất ra “tăng bo” cả người và hàng hóa vào căn cứ tiền trạm, qua những con đường mới mở đất đá lởm chởm, qua suối trên cây cầu gỗ bắc tạm. Và hình ảnh vùng đất mới hiện ra trong mắt ông là đồi núi hoang vu, sình lầy, lau sậy và cỏ tranh, gốc le chằng chịt. Sau đó, mọi người đã cùng nhau tham gia mở đường, cắt cỏ tranh, chặt nứa lợp thêm mái nhà để tiếp tục đón dân vào.
 
Còn bà Đào Thị Xuân Mai hiện sinh sống tại khu phố Chi Lăng 2, thị trấn Nam Ban vẫn không quên những ngày tháng gian nan vất vả “khai sơn phá thạch” trên miền đất mới gần nửa thế kỷ trước. Bà chia sẻ, năm 1977 khi đang là cán bộ văn phòng của một công ty xây dựng ở thủ đô, bà đã xung phong vào khai phá vùng đất mới. Là một cô gái mới 23 tuổi, khi chuẩn bị được lên đường vào Tây Nguyên thì rất háo hức và chưa hình dung được miền đất mới như thế nào. Khác với những gì bà hình dung, miền đất mới không hoa lệ như thủ đô. Nơi đây là vùng hoang vu, không nhà cao tầng, đèn điện hay có nước máy như Hà thành mà ở trong những nhà ván lợp tranh và nứa. Những con đường mới san ủi thì đất đỏ lầy lội, gốc cây, đá tảng lởm chởm. Đêm đến ngủ trong những lán trại tạm bợ còn nghe tiếng thú rừng hú, tắc kè kêu nghe rợn cả người. Đặc biệt, giữa chốn rừng núi thâm u này, những thanh niên đến từ phố thị Hà thành còn sợ ruồi vàng, muỗi, vắt, bọ chó bu bám, chích đốt thành vết lở loét trên làn da của mình. Vì vậy, sau này họ thường thốt lên nỗi sợ hãi ấy bằng câu “Ruồi vàng, bọ chó, gió Nam Ban”.
 
Nói về những ngày tháng khai hoang mở đất, những thanh niên tiền trạm thời ấy thường nhớ nhiều nhất về những gian nan vất vả, khó khăn trên miền đất mới. Thế nhưng, với khí thế “Thanh niên 3 sẵn sàng” và hừng hực tuổi trẻ, những thanh niên đến từ thủ đô ngàn năm văn hiến đã lao động chân lấm tay bùn để kiến thiết nên một vùng quê mới giữa chốn đại ngàn hoang vu.
 
Diện mạo khởi sắc phát triển của vùng Nam Ban ngày nay
Diện mạo khởi sắc phát triển của vùng Nam Ban ngày nay
 
•  NAM BAN KHỞI SẮC TRÙ PHÚ
 
Vùng kinh tế mới Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng ngày ấy, nay là địa bàn 5 xã, thị trấn thuộc khu vực Nam Ban gồm Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh, Nam Hà và thị trấn Nam Ban. Vùng đất hoang vu khi xưa nay thay bằng những vườn cà phê trĩu quả, những vườn cây ăn quả, vườn dâu xanh ngát bạt ngàn, những căn nhà cao tầng khang trang không ngừng được mọc lên và đời sống của người dân ngày một nâng cao. Những thanh niên tiền trạm thuở ấy nay đa số tóc đã pha sương, da đồi mồi, có người đã trở về quê hương thủ đô nhưng cũng có người ở lại gắn bó tiếp tục cùng với thế hệ con cháu xây dựng quê mới ngày càng khởi sắc, phát triển. Họ cũng rất đỗi tự hào vì là những người đặt “nền móng” cho quê hương mới Nam Ban phát triển ngày hôm nay. 
 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Nhất Hùng (77 tuổi), hiện sống ở xóm Thành Công, khu phố Chi Lăng, Nam Ban không giấu nổi niềm vui, sự tự hào vì đã đồng hành và chứng kiến sự đổi thay trên vùng quê mới 45 năm qua. Ông tâm sự, năm 1977, ông cùng 13 người thuộc Đoàn 6 tiền trạm của quận Đống Đa, Hà Nội lên đường vào kiến thiết vùng đất mới. Sau khi ổn định và thấy nơi đây khí hậu mát mẻ, đất đai trù phú nên đã trở về đón vợ con vào cùng tham gia đội sản xuất. Lúc đó, chủ yếu trồng ngô, khoai, sắn và tự cung, tự cấp là chính. Trong đội tiền trạm 13 người năm ấy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã trở về với quê hương thủ đô, còn lại gia đình ông gắn bó với mảnh đất này đến bây giờ. Hiện nay, con cháu đã trưởng thành, đời sống kinh tế khá giả và ông đã rất mãn nguyện khi quyết định ở lại với mảnh đất này. Những thanh niên tiền trạm thời đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở lại thủ đô, nay quay về thăm lại chốn xưa do mình khai phá, họ không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay phát triển của vùng đất Nam Ban.
 
Ông Nguyễn Tiến Kình, sinh năm 1953, là thanh niên tiền trạm quận Từ Liêm, Hà Nội năm 1976, hiện ở tại tổ dân phố Từ Liêm 1, thị trấn Nam Ban cho biết, khi mới bắt đầu khai phá đất hoang, bản thân ông cũng không nghĩ có một vùng quê phát triển như ngày hôm nay. Từ những căn lán trại đơn sơ, tạm bợ, những con đường đất đỏ, đá tảng gồ ghề và những vườn ngô, vườn sắn thì nay đã là nhà cao tầng, phố thị khang trang, hạ tầng phát triển và hiện hữu những vườn cây công nghiệp cho thu nhập cao. 
 
Đồng chí Hoàng Sỹ Bích - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, trải qua 45 năm hình thành và phát triển, khu vực 5 xã, thị trấn vùng Nam Ban nay là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của huyện Lâm Hà. Trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, cán bộ và Nhân dân Vùng kinh tế mới Hà Nội nay là khu vực Nam Ban, Lâm Hà đã đạt nhiều kết quả, thành tích đáng tự hào. Người dân nơi đây đang tiếp tục phát huy khí thế của thế hệ cha anh đi khai hoang mở đất năm xưa để chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đặc biệt, người dân vùng Nam Ban đang chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn đạt nhiều kết quả, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy, đời sống người dân ngày một nâng cao. Các xã, thị trấn khu vực Nam Ban hiện nay đang hình thành vùng kinh tế nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, dâu tằm, rau, hoa công nghệ cao. Trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp cũng được thành lập hoạt động hiệu quả, dịch vụ du lịch đang dần phát triển thu hút du khách. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 
 
Trong chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các xã, thị trấn khu vực Nam Ban đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý và được các cấp, các ngành biểu dương khen thưởng.
 
DUY DANH