Cần có chính sách hỗ trợ tương xứng cho lực lượng nòng cốt quản lý và bảo vệ rừng

06:02, 16/02/2022
Việc đề ra chế độ, chính sách hợp lý cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và tạo sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của bà con sinh sống trong lâm phận là những điều kiện cần để những cán bộ chuyên trách yên tâm gắn bó với công việc và làm tốt nhiệm vụ giữ màu xanh của rừng…
 
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hoà Bắc - Hoà Nam và hộ nhận khoán tổ chức tuần tra rừng
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hoà Bắc - Hoà Nam và hộ nhận khoán tổ chức tuần tra rừng
 
Theo thống kê, Lâm Đồng hiện có diện tích đất lâm nghiệp là 596.476 ha; diện tích có rừng là 532.445,9 ha. Toàn tỉnh có 28 đơn vị chủ rừng Nhà nước; có 13 ban chỉ đạo. Trên địa bàn tỉnh có 47 dân tộc, với dân số khoảng 334.000 người, phần lớn sống và sản xuất nông nghiệp gần rừng và đan xen trong rừng. Hiện nay, nhu cầu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, đời sống của người dân còn khó khăn, trình độ còn hạn chế, trong khi đó quỹ đất để cấp cho các hộ nghèo, hộ thiếu đất sản xuất có giới hạn; giá trị của đất sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng thường đan xen, giáp ranh với các diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân… đó cũng chính là những nguyên nhân khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, lực lượng kiểm lâm của tỉnh hiện thiếu 42 biên chế nhưng chưa tuyển dụng được, do đó công chức kiểm lâm phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc, điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác QLBVR cũng như việc kiểm tra, giám sát đối với các chủ rừng và phát hiện xử lý vi phạm liên quan trong QLBVR.
 
Phải khẳng định rằng, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và các biện pháp quyết liệt để QLBVR và phát triển rừng, tuy nhiên, với diện tích rừng lớn, phân bố không tập trung, địa hình chia cắt, hiểm trở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên đã gây nhiều khó khăn cho công tác QLBVR. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh nói chung còn mỏng, thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác QLBVR; chế độ đãi ngộ còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hiện nay. Bên cạnh đó, áp lực công việc ngày càng lớn nên một số cán bộ thực hiện việc QLBVR chưa thực sự an tâm, nhiệt huyết công tác, hiệu quả thực thi nhiệm vụ chưa cao. 
 
Thực tế cho thấy, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ở các đơn vị chủ rừng thời gian qua chính là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu, trực tiếp bám rừng, ăn, ngủ với rừng, làm nhiệm vụ tuần tra, QLBVR. Đây cũng là đội ngũ trực tiếp đương đầu, đấu tranh, trấn áp các đối tượng vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng nhưng hiện nay chưa có chế độ đãi ngộ, phụ cấp ngành, nghề; tiền lương chưa đảm bảo được đời sống, sinh hoạt và chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao nên tình trạng lực lượng QLBVR chuyên trách xin nghỉ, xin chuyển công tác trong những năm qua xảy ra rất phổ biến, dẫn đến tình trạng đơn vị chủ rừng khó khăn trong công tác tuyển người làm việc. 
 
Chia sẻ với tôi, ông Lê Trọng Luận - Trưởng Ban QLBVR phòng hộ Hoà Bắc - Hoà Nam cho biết, ông rất mong muốn các cấp chính quyền quan tâm giải quyết vấn đề này. Bởi, thực tế đúng là hiện nay thu nhập của lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng rất thấp, lương chỉ vài ba triệu đồng mỗi tháng mà không hề có bất cứ khoản phụ cấp nào khác trong khi họ lại chính là lực lượng quan trọng trong công tác QLBVR. Thời gian làm việc của lực lượng này cũng không chỉ là 8 tiếng mỗi ngày, mà có khi phải làm việc vào sáng sớm, đêm hôm ở những nơi có địa hình phức tạp, cơ sở vật chất thiếu thốn.
 
Cũng theo ông Lê Trọng Luận, bên cạnh chế độ chính sách chưa được tương xứng, thì hiện nay, thẩm quyền của đơn vị chủ rừng hạn chế cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả về công tác QLBVR gặp nhiều khó khăn. Ông Luận kiến nghị rằng, các cấp ngành cần quan tâm bố trí thêm phụ cấp ngành, nghề đối với lực lượng QLBVR chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng đảm bảo đời sống, sinh hoạt để họ yên tâm công tác, gắn bó với công việc. Trong lộ trình tinh giản biên chế cần đưa đội ngũ QLBVR là lực lượng đặc thù theo hướng giữ nguyên hoặc tăng biên chế trong công tác QLBVR, PCCCCR, phát triển rừng. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa thẩm quyền tại Điều 14 về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong Nghị định 01/2018/NĐ-CP ngày 01/01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để các đơn vị thực hiện đảm bảo các quyền và nghĩa vụ có liên quan.
 
Quan tâm, đề ra chế độ, chính sách hợp lý cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ở các đơn vị và tạo cho họ sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con sinh sống trong lâm phận là những điều kiện cần để thúc đẩy hiệu quả của công tác QLBVR ở một địa phương sống dựa vào rừng và có tỷ lệ rừng lớn như tỉnh Lâm Đồng.
 
NGUYỄN NGHĨA