Sau hơn 1 năm miệt mài vừa trồng, chăm sóc, vừa rút kinh nghiệm, đợt thu hoạch chuối già lùn Nam Mỹ đầu tiên đã giải tỏa những lo âu, thấp thỏm của anh Đào Văn Cường (thôn Thống Nhất, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà). Và, ước mơ, khát vọng làm giàu đang dần trở thành hiện thực, khi năng suất, sản lượng và thị trường tiêu thụ đều thuận lợi, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Toàn bộ diện tích trồng chuối đã được anh Đào Văn Cường đầu tư hệ thống tưới tự động |
Theo chân lãnh đạo xã Đan Phượng, chúng tôi đến thăm vườn chuối già lùn Nam Mỹ được anh Đào Văn Cường mạnh dạn đầu tư trồng thí điểm. Trên diện tích 5 ha, toàn bộ lứa cây giống đầu tiên được trồng đều đang cho thu hoạch. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên ánh mắt, khuôn mặt của người nông dân đã qua nửa đời người lam lũ, dày dạn kinh nghiệm này. Anh Cường cho biết, chuối già lùn Nam Mỹ là một trong những giống chuối còn khá mới ở vùng đất Lâm Hà. Cơ duyên đến với lựa chọn và quyết định trồng giống chuối này là nhờ một lần đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế ở Đồng Nai. Sau nhiều chuyến đi, tìm hiểu, suy nghĩ và lựa chọn, anh quyết định đầu tư 60.000 cây giống với giá 12.000 đồng/1 cây.
“Ban đầu thì tôi cũng rất lo lắng, thậm chí có những đêm không ngủ vì thấp thỏm khi mà mình đã đầu tư số vốn tương đối lớn vào đây, song đến bây giờ, tôi đã thực sự thấy quyết định của mình là đúng đắn. Sản lượng thu hoạch bói đạt 310 buồng với gần 16 tấn, trong đó có buồng xấp xỉ 70 kg, với giá 4.200 đồng/1 kg tại vườn. Sau khi thu hoạch buồng mẹ, chỉ 6-8 tháng sau, mỗi cây sẽ cho thu hoạch 2 buồng con, nên lợi nhuận là tương đối lớn”, anh Đào Văn Cường bộc bạch.
Với sự thích nghi của cây chuối già lùn Nam Mỹ, cũng như hiệu quả kinh tế bước đầu từ 5 ha trồng giống chuối này mang lại, anh Cường quyết định thuê thêm 4 ha đất canh tác để mở rộng quy mô sản xuất thành 9 ha. Hiện nay, trên diện tích trồng chuối đều được anh đầu tư hệ thống tưới tự động, bón phân hữu cơ. Từ thành công ban đầu của anh Cường, có 7 hộ nông dân trong vùng đã học hỏi và chuyển đổi với tổng diện tích lên đến hơn 30 ha. Anh Đào Văn Cường đang tiếp tục tiến tới thực hiện các bước thành lập tổ hợp tác sản xuất chuối, xây dựng kho lạnh bảo quản nhằm khép kín quy trình. Đây cũng là phương pháp để bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, cũng như ổn định về giá cả thị trường cho người nông dân. Anh chia sẻ thêm, hiện nay mới bắt đầu thu hoạch chuối nên vẫn đang khó khăn về vốn và việc tiêu thụ vẫn còn nhỏ lẻ. Khi có lợi nhuận, anh sẽ đầu tư kho lạnh với sức chứa khoảng 400 tấn để bảo quản trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, cũng như ổn định đầu ra cho sản phẩm. “Chúng tôi cũng rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ chúng tôi thành lập tổ hợp tác, cũng như hỗ trợ thêm về thị trường tiêu thụ để các sản phẩm được làm ra không bị thương lái ép giá”, anh Cường mong muốn.
Bà Lài Thị Thu Hà - Phó Bí thư Thường trực xã Đan Phượng cho biết, năm 2021, Đảng ủy xã đã chỉ đạo cho UBND xã, các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để Nhân dân, đặc biệt là người nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đưa những loại cây giống phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trồng thay thế trên những diện tích sản xuất đang kém hiệu quả; đồng thời nắm bắt, hỗ trợ và nhân rộng những điển hình này trong các phong trào thi đua yêu nước.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, đời sống của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người nông dân bị ảnh hưởng rất lớn. Thế nhưng, những câu chuyện về tinh thần ham học hỏi, khát vọng làm giàu của những người nông dân như anh Đào Văn Cường đã góp phần tạo động lực, ý chí, niềm tin vượt lên khó khăn ở từng khu dân cư, từng thôn, xã. Đây cũng là một trong những hướng đi phát huy hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho giá trị kinh tế cao, góp phần để xã Đan Phượng phấn đấu sớm trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
CẨM TÚ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin