Năm Nhâm Dần - kể chuyện chăm ''chúa sơn lâm''

12:02, 02/02/2022
Cô hổ Bengal nũng nịu, cọ má vào bạn tình rồi cả hai nằm dài sưởi nắng buổi sáng. Thi thoảng để tỏ rõ oai phong, anh chàng cất giọng gầm gừ đi lại, thứ tiếng uy lực của loài mãnh thú rừng xanh mà ai nghe lần đầu đều có phần run sợ.
 
Cặp hổ được đặt tên Ben và Bo nằm bên nhau sưởi nắng buổi sáng trong khu nuôi nhốt tại Trang trại Phú An (xã Định An, huyện Đức Trọng)
Cặp hổ được đặt tên Ben và Bo nằm bên nhau sưởi nắng buổi sáng trong khu nuôi nhốt tại Trang trại Phú An (xã Định An, huyện Đức Trọng)
 
Ở Trang trại Phú An (thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) rộng hơn 2 ha nằm dưới chân núi Voi, du khách có thể thoải mái tiếp cận, ngắm chàng và nàng “mèo bự” đi lại thong dong. Đây là cặp hổ trưởng thành duy nhất trong môi trường nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khiến người dân lần đầu được chiêm ngưỡng loài thú quý hiếm này không khỏi ngạc nhiên lẫn phần thú vị.
 
“Con Ben (tên con hổ cái Bengal giống Ấn Độ), con Bo năm nay đã được 5 tuổi có lẻ vài tháng rồi. Giờ nhìn bộ lông óng mượt, thân hình oai phong vậy nhưng từ nhỏ mình phải chăm sóc từng li từng tí chẳng khác nào chăm em bé mới hạ sinh”, ông Phan Đắc Mậu Đại - Giám đốc Công ty TNHH Lan và Thú, đồng thời là bác sĩ thú y, chủ nhân của cặp hổ quý vui vẻ nói.
 
Bản tính hoang dã của “chúa sơn lâm” dường như chưa bị mất đi hoàn toàn, khi chúng tôi cùng vài du khách tiếp cận khu chuồng nuôi nhốt riêng biệt của cặp hổ Ben và Bo. Trong khi cô hổ cái nằm bên trong thì anh chàng hổ đực tên Bo đánh hơi được người lạ tới từ khá xa đã phát ra trong cuống họng tiếng gầm trầm khàn nhưng thật sự uy lực, làm cho một số du khách lần đầu tới đây phải “sởn tóc gáy”, không dám tiến lại gần.
 
Anh Vĩnh Khuê, nhân viên được giao chăm sóc riêng, theo dõi cặp hổ tại đây trấn an, giải thích hổ trưởng thành gầm rú có thể phát ra tiếng “cà uồm” hay “à uồm” vang xa ở khoảng cách gần 3 km. Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhốt, hổ chủ yếu gầm gừ nhẹ. Đó là biểu cảm bình thường của hổ khi có người lạ tới, hoặc đôi khi là dấu hiệu khi mệt mỏi, stress, khí hậu thay đổi hay chỉ đơn giản là hổ đói, muốn được ăn uống.
 
Ngoài những lúc như trên, hổ được thuần dưỡng từ nhỏ nên khá hiền lành, chúng biết nhận dạng người quen và do đó, tính hoang dã của loài mãnh thú đã giảm đi khá nhiều. Bằng chứng là khi thấy ông Đại, anh Khuê đi qua, Bo và Ben nhìn với theo hiền lành, còn tới cửa chuồng gí sát đầu vào khung sắt, cử chỉ như muốn được vuốt ve, âu yếm.
 
Ông Phan Đắc Mậu Đại thăm cặp hổ Ben và Bo do ông làm thủ tục mua, xin nuôi từ năm 2017 tới nay
Ông Phan Đắc Mậu Đại thăm cặp hổ Ben và Bo do ông làm thủ tục mua, xin nuôi từ năm 2017 tới nay
 
Hiểu rõ thói quen của thú dữ, ông Đại và anh Khuê hướng dẫn khách nên đưa một ít thịt gà vào ô cửa nhỏ thả xuống chuồng nuôi để hổ nghĩ có người tới cho ăn thay vì chụp hình, chọc phá chúng nên sẽ có cách thể hiện dễ gần hơn. Quả đúng như vậy, nhận thấy có thịt gà được thả vào, cặp hổ bắt đầu tiến lại hàng rào sắt. Và thay vì gầm gừ, chúng bắt đầu đủng đỉnh thưởng thức món ăn khoái khẩu từ du khách đưa lại.
 
Nhìn cặp hổ đẹp như tranh vẽ, lông óng mượt thoải mái vui đùa trước mặt, ông Đại nhớ lại những ngày đầu hổ con còn nhỏ, việc chăm sóc là thử thách không hề dễ dàng. “Cản trở lớn nhất là môi trường trước đó tại Thảo Cầm viên Sài Gòn và dưới chân đèo Prenn, Lâm Đồng khác xa nhau rất nhiều. Nếu mình không chăm đúng kỹ thuật thì cặp hổ con sẽ chết vì sốc khí hậu. Để giải quyết bài toán này, năm 2017 tôi đã thiết kế một khu chuồng với hệ thống sưởi ấm, tìm mua các loại sữa ngoại nhập khẩu chỉ dành cho các loại thú ăn thịt để chăm sóc, theo dõi diễn biến về trích thuốc các bệnh ngừa đường ruột, cập nhật liên tục những thay đổi nhỏ nhất để can thiệp trong nửa năm chăm sóc đầu tiên”- ông Đại chia sẻ và cho biết thêm ngoài việc là loài thú quý hiếm mà khó nuôi này không chỉ bởi quy trình xin phép nuôi mất nhiều thời gian, phức tạp mà còn bởi cặp hổ con đáng giá bằng cả gia sản vào thời điểm đó.
 
“Có những thời điểm anh em chăm sóc thấy chúng bỏ ăn nửa buổi là căng thẳng, đứng ngồi không yên. Sau khi thích ứng với khí hậu, điều kiện chăm sóc trong khu điều trị chuyên biệt, Bo và Ben lớn khá nhanh, chỉ lúc đó mình mới tạm thở phào nhẹ nhõm” - ông Đại hồ hởi nói. Qua thời gian đầu chăm bẵm đầy khó khăn, cặp hổ Bengal trưởng thành như thổi. Từ 5-6 kg vào năm 2017, giờ mỗi con đã tăng lên 95-100 kg, có thể ăn mỗi ngày 4-6 kg thịt với khẩu phần ăn cũng đa dạng gồm thịt heo, trâu, bò, gà... 
 
Nuôi thú quý khi quen dần sẽ nhàn nhã nhưng không lúc nào được buông lỏng trông coi. Ông Đại cười kể người ta hay đùa "cực như nuôi hổ" bởi người chủ nuôi phải để ý từng li từng tí, từ ăn uống, sức khỏe, tâm sinh lý của chúa sơn lâm. Thậm chí, mỗi năm khoảng 1 lần, ông và đội ngũ chăm sóc thú tại trang trại lại phải dùng súng bắn gây mê cho Bo và Ben, sau đó vào chuồng cắt bớt và giũa móng, răng nanh để chúng không dùng móng vuốt, răng sắc nhọn cặp vào thịt dễ gây nhiễm trùng da. Quá trình làm “nail” này phải tuyệt đối không để hổ sau khi thức dậy stress bằng cách bịt mắt, bỏ đói hổ hai ngày và khi cho ăn lại phải là đồ ăn ngon, khoái khẩu của chúng.
 
Chăm sóc thường xuyên, hiểu thói quen rồi thì rất nhớ chúng. Hôm nào đi đâu vài ngày, lúc về ông Đại đều ghé coi, hỏi tình hình Bo và Ben thế nào, có ăn uống hay đau bệnh gì không. Bởi chỉ những chi tiết nhỏ như chuồng không có phân hay phân bị nát, màu khác lạ chứng tỏ cặp hổ có vấn đề về đường ruột. Hay lúc chúng nằm một chỗ, bỏ ăn, thời tiết thay đổi đột ngột, dáng đi khác lạ,... đều có thể là dấu hiệu bị bệnh, người chăm nuôi phải nhanh chóng báo cho bác sĩ thú y đưa ra phác đồ xử lý. 
 
Theo ông Đại, nuôi hổ thì dù người và thú có gần gũi nhiều năm cỡ nào thì trước khi bước vào, cửa chuồng cũng phải được kiểm tra chắc chắn đã đóng kín. Đồng thời, hai nguyên tắc quan trọng mà nhân viên chăm sóc phải nằm lòng là tuyệt đối không vào chuồng hổ khi chưa đưa hổ vào chuồng ép, và ngược lại. Thứ hai là không được đi xoay lưng về phía hổ mà phải đi giật lùi để tránh kích động bản tính hoang dã của loài mãnh thú.
 
“Trang trại của tôi ở đây có nuôi nhiều voi, hàng trăm con chồn, cầy mực, gấu, vượn, đà điểu, và cặp hổ quý hiếm. Dù nuôi con vật nào quan điểm của tôi là coi chúng như mối quan hệ cộng sinh, khăng khít. Mình có chăm sóc chúng cẩn thận, khỏe mạnh, chúng mới mang về cho mình được thu nhập và ngược lại” - chủ nhân cặp hổ Bengal và là người có thâm niên chăm sóc các loại thú quý hiếm tại Khu Du lịch thác Prenn và giờ là Trang trại Phú An của gia đình ông chia sẻ.
 
Tại môi trường tự nhiên, theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN), quần thể hổ tại Việt Nam đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng, từ khoảng 400 cá thể vào những năm 1970 xuống còn khoảng dưới 5 cá thể hổ ngoài tự nhiên vào năm 2015. Kể từ năm 2009, không có ghi nhận thực tế nào (ảnh chụp, mẫu vật) về hổ hoang dã tại Việt Nam. Hổ Việt Nam hiện đang nằm chấp chới giữa tình trạng “tuyệt chủng trong tự nhiên” và “đang bị đe dọa tuyệt chủng”. 
 
Tại môi trường nuôi nhốt, theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), đến tháng 5/2019, cả nước có 16 cơ sở đăng ký nuôi nhốt hổ với 243 cá thể. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là các loài hổ nhập từ nước ngoài, chủ yếu thuộc phân loài như hổ Bengal, hổ Si-be-ri. Hổ đang được nuôi tại các cơ sở khác nhau, gồm: các vườn thú sở hữu nhà nước và tư nhân; các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và các cơ sở được Thủ tướng Chính phủ cho phép nuôi thí điểm từ năm 2007.
 
CHÍNH THÀNH