Người con gái quê lụa trên miền kinh tế mới

03:02, 06/02/2022
45 năm về trước, có người con gái quê lụa - Hà Tây vừa tròn 17 tuổi đã có mặt trong đoàn thanh niên xung phong rời miền Bắc để đi vào mảnh đất phía Nam Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Để rồi qua bao cuộc bể dâu, sau dặm dài quá trình lao động, cống hiến, dựng xây; người con gái năm ấy đã trưởng thành cùng tình yêu to lớn với quê hương mới.
 
Sau 45 năm lao động, dựng xây và cống hiến, cựu thanh niên xung phong Lê Thị Tám đang có được những trái ngọt cuộc đời trên quê hương thứ hai
Sau 45 năm lao động, dựng xây và cống hiến, cựu thanh niên xung phong Lê Thị Tám đang có được những trái ngọt cuộc đời trên quê hương thứ hai
 
•  MỘT THỜI THANH NIÊN SÔI NỔI
 
Có mặt trong đoàn người đầu tiên đi để vỡ đất, lập làng, ngày lên đường, chị Lê Thị Tám tóc hãy còn xanh, nay mái đầu ấy đã bạc, nhưng miền ký ức thuở xung phong vẫn in hằn rõ rệt như mới chỉ hôm qua. 
 
Người con gái 17 tuổi rời Hà Tây quê lụa lên đường năm ấy đã ghi trọn hành trình của mình vào những dòng lưu bút tuổi xanh. Rằng: Tàu lăn bánh đưa hàng trăm thanh niên Hà Nội, Hà Tây vào miền Nam dừng chân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây xe ô tô của quân đội tiếp tục chở đoàn thanh niên lên tới thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi tiếp tục đổi xe để lên khu vực thuộc thị trấn Madaguôi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng ngày nay. Từ đây lực lượng thanh niên xung phong được phân chia người về Nông trường bò sữa Phi Vàng, người lên Nông trường quốc doanh Phú Sơn...
 
Trong 10 chuyến xe về Nông trường quốc doanh Phú Sơn ngày ấy có cô gái trẻ Lê Thị Tám. Khoai trộn sắn thay cơm đã đồng hành cùng những người thanh niên ấy suốt một thời gian dài khai hoang vỡ đất. Mang theo tập quán sản xuất của miền Bắc, họ đã lần lượt trồng lúa, bắp, khoai, sắn và chăn nuôi bò trên vùng đất này. Thành công có nhưng thất bại cũng nhiều, các cây trồng, vật nuôi từng bước được thay thế để tìm ra loại cây, con phù hợp nhất, hiệu quả nhất đối với mảnh đất và điều kiện tự nhiên nơi này. 
 
Vợ chồng bà Lê Thị Tám cùng là thế hệ thanh niên xung phong đầu tiên vào Vùng kinh tế mới Lâm Hà
Vợ chồng bà Lê Thị Tám cùng là thế hệ thanh niên xung phong đầu tiên vào Vùng kinh tế mới Lâm Hà
 
Ngoài lao động sản xuất phát triển kinh tế, những người thanh niên xung phong ấy còn cùng với chính quyền địa phương tham gia đấu tranh với lực lượng Fulro và tham gia cùng các tiểu đoàn bộ đội trên địa bàn đóng chốt làm nhiệm vụ. 
 
Đêm qua, ngày tới, cứ thế thời gian trôi đi, mồ hôi thấm đất để lúa, bắp, cà phê lần lượt tốt tươi. Kênh mương thủy lợi, giếng nước được đào đắp. Làng kinh tế mới được thành lập, nông trường được dựng xây. Người quen đất, đất thương người trong khí thế lao động, sản xuất, làm nhiệm vụ hăng say của một thời thanh niên sôi nổi.
 
•  CÂY ĐỜI NỞ HOA
 
Nhiệm vụ hoàn thành, cơ hội trở về đã có nhưng có lẽ nhân duyên là lý do để người con gái quê lụa Hà Tây gắn bó với mảnh đất Lâm Hà từ bấy đến giờ.
 
Tha hương đồng nghĩa với cuộc sống muôn vàn vất vả và với những người con gái này, sự vất vả ấy còn nhiều hơn gấp nhiều lần. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”, câu hát nổi tiếng trong bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã quen thuộc với nhiều người. Với riêng nữ cựu thanh niên xung phong Lê Thị Tám, câu hát đó còn là phương châm, là động lực, là bạn đồng hành trong chặng đường dài lao động miệt mài trên miền quê mới. Không chỉ làm công tác tài chính tại nông trường, sau này chuyển về làm việc tại huyện, bà Lê Thị Tám còn là một nông dân thực thụ. Vừa làm, vừa học, bà am hiểu về cây cà phê không thua gì người Nam Tây Nguyên. Để rồi những mùa cà phê chín đỏ đi qua đồng nghĩa với những viên gạch dựng xây dần được đặt xuống trên miền quê mới.
 
Lực lượng thanh niên xung phong tham gia xây dựng bộ máy chính quyền huyện Lâm Hà những ngày đầu
Lực lượng thanh niên xung phong tham gia xây dựng bộ máy chính quyền huyện Lâm Hà những ngày đầu
 
Cô thanh niên xung phong 17 tuổi năm nào đã trưởng thành và lần lượt làm vợ rồi làm mẹ. Những đứa trẻ của cô cũng lần lượt được sinh ra trên mảnh đất bazan hai mùa mưa nắng, giữa bạt ngàn cà phê. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, cây đời đã nở hoa, là thành công, là hạnh phúc vẹn tròn.
 
Chúng tôi quay lại thôn Tân Tiến, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà vào những ngày cuối năm 2021 khi dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát. Nữ cựu thanh niên xung phong Lê Thị Tám ngày xưa nay là Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ COVID cộng đồng thôn Tân Tiến vẫn chưa thôi bận rộn. Bà con thôn Tân Tiến khi nói về công tác phòng, chống dịch bệnh luôn nhắc về sự tất tả ngược xuôi của đảng viên Lê Thị Tám. Dù sáng sớm hay đêm khuya, lúc ở nhà hay khi đang giữa rẫy cà phê mùa thu hoạch, chỉ cần là việc xóm việc thôn, liên quan đến giữ vùng xanh và bảo vệ sức khỏe người dân thôn Tân Tiến, bà Lê Thị Tám đều không nề hà.
 
Từ vận động ủng hộ bà con miền Trung lũ lụt cho tới ủng hộ đồng bào ở Thành phố Hồ Chí Minh khốn đốn vì dịch bệnh, người ta đều thấy người phụ nữ tuổi đã xế chiều ấy có mặt khắp nơi. Miệng nói tay làm. Chiếc nón lá che đầu - thói quen của những người phụ nữ miền Bắc che mái tóc đã điểm bạc màu thời gian và sương gió, lấp ló nụ cười từ tận tấm lòng của người phụ nữ ấy.
 
Mân mê nếp áo thanh niên xung phong đã cũ sờn, người phụ nữ ấy chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm chương Thanh niên làm theo lời Bác do Trung ương Đoàn trao tặng, kỷ niệm chương Vì sự tiến bộ của phụ nữ do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng, kỷ niệm chương cấp Trung ương Vì sự nghiệp kiểm tra của Đảng, giấy khen của Huyện ủy Lâm Hà cho đảng viên 3 năm liền là đảng viên xuất sắc, giấy khen điển hình trong thực hiện Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... và kỷ niệm lần đại diện của các thế hệ thanh niên xung phong ở huyện Lâm Hà tham dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong và Tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020 tại Thủ đô Hà Nội. Đó là những tài sản của tháng năm cống hiến. Nhưng có lẽ với cựu thanh niên xung phong Lê Thị Tám, sự yêu thương, đùm bọc của bà con mới là phần thưởng đáng quý nhất.
 
45 năm đã trôi qua, nhưng khí thế của một thời thanh niên xung phong sôi nổi vẫn chưa phút giây nào ngưng chảy trong người phụ nữ quê lụa năm nào. Với bà, được làm việc và cống hiến cho bà con, thôn xóm là niềm hạnh phúc. Một mùa cà phê nữa lại về trên đất Nam Tây Nguyên, người cựu thanh niên xung phong ấy sau những phút giây tất tả với việc thôn vẫn đội nón lá trên đầu, thoăn thoắt lao động trong hạnh phúc vẹn tròn giữa vườn cà phê trĩu ngọt.
 
NGỌC NGÀ