Tiếp khách trong ngôi nhà xây khang trang (số 5 Lý Nam Đế, Phường 8, Đà Lạt), chủ nhân rất phấn khởi vì vừa “trúng” vụ hoa cúc giữa đại dịch COVID-19. Đó là nông dân Trần Văn Thử (sinh năm 1968) - người đã 25 năm gắn bó với làng hoa Hà Đông và trở thành tỷ phú từ nghề trồng hoa...
|
Nông dân Trần Văn Thử |
Bất cứ ai sinh sống ở làng hoa Hà Đông đều rất tự hào là công dân của làng hoa đầu tiên và nổi tiếng trong 5 làng hoa truyền thống của TP Đà Lạt, được người yêu hoa trong cả nước biết đến.
Ngoài đa số hộ gia đình người Hà Thành vào đây “khai thiên, phá thạch” từ những năm 1935, 1938 của thế kỷ trước, làm nên làng hoa Hà Đông ngày nay, cũng có nhiều hộ từ các tỉnh, thành phố khác đến đây lập nghiệp những năm sau này. Gia đình nông dân Trần Văn Thử là trường hợp cụ thể. Bố mẹ anh Thử đều là người Quảng Ngãi đưa gia đình vào Đà Lạt lập nghiệp trước năm 1975. Những năm đầu lập nghiệp trên quê mới, kinh tế còn nhiều khó khăn, cả gia đình sống dựa vào nghề buôn bán nhỏ của mẹ. Vì đông anh em, cuộc sống thiếu thốn, nên anh Thử phải nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình.
Nhiều năm đi làm thuê, dành dụm, anh Thử mua dần được 6 sào đất nông nghiệp để làm kế mưu sinh. Những năm đầu “khởi nghiệp”, anh Thử chủ yếu trồng các loại rau, củ ngắn ngày để có cái ăn trước mắt. Tìm hiểu các hộ dân sản xuất hoa trong vùng, anh Thử nghĩ, muốn khá lên phải chuyển sang trồng hoa...
Sau khi cưới vợ, ở riêng, vợ chồng nông dân này đã đầu tư xây dựng nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới tự động và trồng các loại hoa cao cấp như: hồng, cúc, layơn…
Anh Thử cho biết, xây dựng nhà kính, mua sắm các trang thiết bị để sản xuất hoa khá tốn kém; trung bình 1 sào (1.000 m
2), chi phí khoảng 200 triệu đồng). Do đó, vợ chồng anh đầu tư xây nhà kính dần dần; đến nay, tất cả 6 sào đất của vợ chồng anh đều đưa vào nhà kính, chuyên sản xuất hoa, sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại.
Nhờ thời gian đi làm cho các nhà vườn, chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nên việc trồng, chăm sóc các loại hoa đối với anh Thử không mấy khó khăn. Theo anh, điều quan trọng nhất là phải chịu khó, tận tâm với nghề trồng hoa trên “xứ sở hoa” mà các thế hệ cha, ông đã làm nên “thương hiệu”. Còn về “bí kíp”, theo anh là phải dự đoán được giá cả hoa giao động, nhu cầu thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm thì mới “ăn chắc”. Nhờ đó, liên tục các mùa hoa gần đây, nông dân Trần Văn Thử đã “trúng đậm” - xứng đáng thế hệ công dân nối tiếp của làng hoa Hà Đông.
Anh Thử giải thích, để hoa phát triển, sinh trưởng tốt trong nhà kính, cứ mỗi sào, anh xuống giống khoảng 60.000 cây cúc con (chủ yếu cúc đại đóa, kim cương); chăm sóc phân, thuốc, tưới và theo dõi thời gian 3 tháng là hoa cho thu hoạch.
Nhận thấy thị trường những năm gần đây khá ưa chuộng loại hoa cúc đại đóa, anh Thử chuyển dần sang trồng loại hoa này. Anh cho biết, trong 2 năm (2020 - 2021), cúc đại đóa tại nhà vườn giao động từ 3.000 - 4.000 đồng/bông; cứ 1 sào đất trồng cúc đại đóa, thu hoạch khoảng 50.000 bông; toàn bộ 6 sào đất trồng cúc đại đóa, với giá hoa ổn định, gia đình anh thu nhập khấm khá…
Anh Thử chia sẻ: 2 năm qua, đại dịch COVID-19 diễn biến kéo dài, nhiều hộ nhà vườn “ngại” trồng hoa vì sợ không bán được và một số hộ chuyển sang trồng rau, củ. Anh Thử suy tính, lắm lúc chợt nghĩ có thể mình “liều”; nhưng, các cụ xưa đã dạy “… có gan làm giàu”. Cuối cùng, vợ chồng anh quyết định “xuống giống” tất cả 6 sào đất (toàn cúc đại đóa). Cuối năm qua và hiện nay, thị trường hoa rất khan hiếm và cúc đại đóa có giá khá cao; nông dân này “trúng đậm”. Anh nhẩm tính, thu hoạch trên 6 sào đất trồng hoa, gia đình anh sẽ thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.
Trước nay, sản phẩm hoa của gia đình anh Thử đều bán cho một đại lý thu mua hoa tại Chợ Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh). Do đã liên kết nhiều năm qua, nên “đầu ra” sản phẩm hoa của anh rất ổn định. “Ông chủ” Thử phụ trách khâu kỹ thuật, còn viêc sản xuất, chăm sóc và đóng gói, xuất bán hoa chiếm khá nhiều thời gian nên anh phải thuê từ 5 - 6 lao động làm việc và trả công 350.000 đồng/người/ngày…
Ngoài chí thú làm giàu kinh tế gia đình, nông dân Trần Văn Thử còn được Nhân dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Nông dân làng hoa Hà Đông I. Với công việc được giao, anh thường xuyên quan tâm tình hình sản xuất, sinh hoạt của bà con; chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm giúp các hộ dân cùng sản xuất làm giàu; vận động Nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua tại địa bàn dân cư…
Với những thành tích tiêu biểu trong lao động, sản xuất, làm giàu và tham gia công tác địa phương, những năm qua, nông dân - tỷ phú Trần Văn Thử đã nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng xứng đáng: “Nông dân sản xuất giỏi” của TP Đà Lạt; “Nông dân trồng hoa tiêu biểu” của làng hoa Hà Đông. Đặc biệt, hộ nông dân Trần Văn Thử đã được UBND thành phố Đà Lạt cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho sản phẩm hoa.
Điều đáng quý, vượt lên trên những danh hiệu, phần thưởng, đó là tính cần cù, quyết đoán trong lao động, sản xuất của nông dân - tỷ phú Trần Văn Thử, tiếp tục quảng bá sản phẩm hoa của làng hoa Hà Đông - Làng hoa nổi tiếng của thành phố hoa Đà Lạt đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước…
THANH DƯƠNG HỒNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin