Để xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, thực chất và người dân nhận thức rõ mình chính là chủ thể hưởng lợi để chung tay thực hiện, huyện Đạ Huoai đã tiến hành phương châm “chậm mà chắc”. Và, với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế, huyện cửa ngõ Đạ Huoai đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu huyện NTM và đang chờ được công nhận.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra xây dựng đường GTNT trên địa bàn huyện Đạ Huoai. |
•
CÁCH LÀM ĐƯỜNG GIAO THÔNG “CÓ MỘT KHÔNG HAI”
Theo quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng, thì đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn được xây dựng rộng 3,5 m. Thế nhưng, hơn 80% những tuyến đường GTNT trên địa bàn huyện Đạ Huoai lại được xây dựng rộng 5 m và tất cả đều có lề đường 3 đến 4 m. Đây là cách làm khác lạ “có một không hai” của huyện Đạ Huoai và được người dân đồng tình ủng hộ cao.
Theo đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai, trước đây, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương vẫn xây dựng đường GTNT rộng 3,5 m. Song, từ thực tế là địa phương chuyên canh cây ăn trái, nên nhu cầu vận chuyển nông sản, phân bón rất lớn, cần có sự thay đổi. Từ năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định mặt đường phải đạt tối thiểu 4 m, lề đường 2 m; nơi nào làm đường 5 m, lề đường 3 hoặc 4 m thì sẽ được ưu tiên hỗ trợ vật tư làm trước. Còn địa phương nào chỉ làm mặt đường 3,5 m thì hỗ trợ đối ứng sau.
“Với quyết định này, ban đầu không ít xã phản đối cho rằng lãnh đạo huyện thiếu công bằng. Nhưng huyện vẫn quyết làm vì các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phải có cái nhìn xa hơn chứ không dừng ở tầm trước mắt. Trong triển khai thực hiện, chúng tôi quyết định để dân tự làm, tự quản, tự giám sát; cùng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy giao trách nhiệm những người đứng đầu các địa phương trực tiếp kiểm tra vật tư hỗ trợ, chất lượng công trình. Kết quả, phần vật tư Nhà nước hỗ trợ không bị tiêu hao vô hình; chất lượng công trình đảm bảo 100% yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, những tuyến đường GTNT mới mở rộng thênh thang đảm bảo xe tải vào tận vườn để thu mua nông sản cho bà con, nên người dân rất phấn khởi. Đó chính là sự thành công của địa phương” - Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai cho hay.
So với năm 2010, đường GTNT trên địa bàn huyện Đạ Huoai được cứng hóa, bê tông hóa hơn 100 km, chiếm 28%, đến nay, con số này đã đạt gần 265 km, chiếm 73,5% tổng chiều dài đường GTNT trên địa bàn. Điểm nhấn của Đạ Huoai cũng được tạo bởi đường GTNT không còn nhỏ hẹp, xe tải vận chuyển vật tư, nông sản đến tận vườn. Bộ mặt một số vùng nông thôn ở Đạ Huoai hiển hiện nét văn minh, nông thôn đáng sống.
Theo đánh giá của UBND huyện Ðạ Huoai, để đạt được kết quả tốt trong xây dựng đường GTNT thì công tác vận động quần chúng tham gia hiến đất, hỗ trợ ngày công là “chìa khóa” của sự thành công. Trước hết, chính quyền phải làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch thực hiện đầu tư đối với các tuyến đường GTNT trên địa bàn và công khai quy hoạch; tổ chức tuyên truyền để Nhân dân thấy được ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội và dân sinh của từng tuyến đường khi được đầu tư. Tất cả các chủ trương về đầu tư, phương châm thực hiện đều được quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và toàn thể Nhân dân. Trong đó, Nhân dân phải là chủ thể hưởng lợi cùng tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát chất lượng.
Trong khi đó, chính quyền địa phương thực hiện công bằng, bình đẳng giữa tất cả các hộ dân. Chính quyền phải nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân nhằm giải quyết công việc hợp lý, công bằng, công khai, dân chủ khi làm đường. Qua đó, kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gia đình, cá nhân tiêu biểu để tạo sức lan tỏa sâu, rộng trong Nhân dân cùng chung tay thực hiện.
|
Đường GTNT trên địa bàn huyện Đạ Huoai được đầu tư xây dựng khang trang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
•
HƯỚNG TỚI HUYỆN NTM
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến nay, huyện Đạ Huoai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế -xã hội phát triển một cách toàn diện; kết cấu hạ tầng thiết yếu được tăng cường theo hướng hiện đại hóa; các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường... có nhiều chuyển biến tích cực; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các khu dân cư NTM ngày càng khởi sắc đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho huyện “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh.
Theo thống kê, tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện Đạ Huoai giai đoạn 2010-2021 hơn 1.077 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương cấp 81,8 tỷ đồng; ngân sách tỉnh cấp 297,7 tỷ đồng; ngân sách huyện là 118,4 tỷ đồng. Cùng với đó, vốn tín dụng là 548,6 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp là 6,4 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn Nhân dân đóng góp xây dựng NTM là hơn 24,4 tỷ đồng. Từ đó đến nay, với phương châm “chậm mà chắc” huyện Đạ Huoai không để xảy ra nợ đọng trong xây dựng NTM.
Đánh giá thực tế, Đạ Huoai là địa phương có đông bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống và tập trung tại các xã như Phước Lộc, Đoàn Kết và Đạ P’Loa cần được chú trọng đầu tư để về đích NTM. Từ đó, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS thông qua việc huy động các nguồn lực. Trong 2 năm (2020 và 2021), nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đạt hơn 70 tỷ đồng để thực hiện các công trình nông thôn như làm đường, công trình thủy lợi, hỗ trợ đào ao, hồ, xây dựng cơ sở vật chất trường học, y tế, thiết chế văn hóa... Nhờ vậy, đến nay, 7/7 xã trên địa bàn huyện Đạ Huoai đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, xã Hà Lâm đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2020. Hiện nay, xã Hà Lâm đang triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Huyện Đạ Huoai cũng khẳng đinh được vị thế là “thủ phủ” sầu riêng của Lâm Đồng khi cơ bản chuyển đổi hơn 3.400 ha sầu riêng ghép các giống Thái Lan như Đô Na, Ri6, Mong Thong; trong đó, có khoảng 2.700 ha đã cho thu hoạch và mang lại nguồn thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho người dân. Trường học, y tế, điện thắp sáng và cơ sở vật chất văn hóa ngày càng được đầu tư bài bản, theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Lưu Hồng Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết: “Trong những năm qua, huyện Đạ Huoai luôn chú trọng công tác phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đã đạt 47,5 triệu đồng/người/năm. Hiện, toàn huyện còn 69 hộ nghèo, chiếm 0,52% tổng dân số. Năm 2021, huyện phấn đấu giảm 12/69 hộ nghèo, trong đó có 7 hộ nghèo là đồng bào DTTS; giảm 45/69 hộ cận nghèo, trong đó có 21 hộ đồng bào DTTS. Hiện tại, địa phương đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để trình UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương xem xét, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2022; đồng thời, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, biện pháp xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu tại các xã đã đạt chuẩn NTM”.
KHÁNH PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin