COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là “kẻ giết người thầm lặng” bởi không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám sàng lọc bệnh lao tiềm ẩn tại cộng đồng |
Chiến dịch truyền thông nhân ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 với chủ đề: “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Đây là hoạt động quan trọng hàng năm hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao trong công tác phòng, chống lao. Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2021, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới. Đặc biệt, tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.
Thực hiện chỉ đạo của Bệnh viện Phổi Trung ương về tổ chức Chiến dịch truyền thông nhân ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện truyền thông nhân ngày Thế giới phòng, chống lao trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao Việt Nam và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS hiểu về bệnh lao và có các biện pháp phòng, chống lao. Xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao; tăng cường công tác chẩn đoán, phát hiện, chăm sóc, dự phòng, hỗ trợ và điều trị người mắc bệnh lao. Tổ chức phát hiện chủ động, Xquang di động, sàng lọc lao trong số người tiếp xúc và hệ thống xét nghiệm Xpert, huy động cộng đồng tham gia phát hiện chủ động, tích cực và điều trị khỏi bệnh lao. Triển khai linh hoạt và đa dạng phong phú các hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương.
Việt Nam hiện là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Có hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020). Phần lớn các ca tử vong do chưa được phát hiện và điều trị. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của khoảng 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Tại Lâm Đồng, hoạt động phòng, chống lao thuộc tiểu dự án Quỹ toàn cầu năm 2021 đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 107 cán bộ y tế cấp huyện, xã về sàng lọc, phát hiện, điều trị và quản lý lao, lao tiềm ẩn, bằng hình thức trực tuyến. Tổ chức 20 buổi truyền thông trực tiếp tại 4 huyện thực hiện dự án gồm: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên, tuyên truyền về mục đích, nội dung về khám sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động và tình hình bệnh lao tại địa phương; cung cấp một số kiến thức cơ bản về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao tại cộng đồng. Tham dự có 800 người gồm: Cán bộ chính quyền, Nhân dân, đại diện các Hội trên địa bàn xã, thôn… Phát 1.040 tờ rơi về lao tiềm ẩn, tờ rơi phát hiện chủ động lao (do CEHS cung cấp).
Tổ chức khám sàng lọc bệnh lao tiềm ẩn, kết quả sàng lọc bệnh lao cho 559 người, đưa vào điều trị 28 người. Chủ động phát hiện bệnh lao tại 39 xã của 4 huyện thực hiện dự án, với tổng số 3.925 người được khám sàng lọc, chụp phim cho 3.925 người, phát hiện qua chụp phim có tổn thương nghi lao 678 người, xét nghiệm Gen Xpert cho 821 người, tổng số bệnh nhân lao đưa vào điều trị 11 người.
Tăng cường phối hợp y tế công - tư trong kiểm soát quản lý bệnh lao. Hiện, toàn tỉnh đã có 9 đơn vị y tế cam kết tham gia kiểm soát bệnh lao gồm: 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 2 bệnh viện chuyên khoa tỉnh (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh), Bệnh viện Nhi, Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt và 2 Phòng khám đa khoa (tại Đà Lạt và Bảo Lộc). Các cán bộ y tế thuộc 9 cơ sở này được tập huấn chuyên môn, trong năm 2021, đã phát hiện chuyển 117 bệnh nhân lao đến chương trình phòng, chống lao thuộc tiểu dự án Quỹ toàn cầu.
Năm 2022, Lâm Đồng tiếp tục duy trì các hoạt động của tiểu dự án Quỹ toàn cầu, tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về sàng lọc, phát hiện, điều trị và quản lý lao, lao tiềm ẩn. Thực hiện truyền thông có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể tại cộng đồng đối với hoạt động sàng lọc và phát hiện chủ động lao, lao tiềm ẩn tại 4 huyện thuộc dự án. Duy trì sàng lọc bệnh lao tiềm ẩn thường kỳ cho người tiếp xúc hộ gia đình và những nhóm nguy cơ cao, phát hiện chủ động lao ở 4 huyện tiếp theo trong tỉnh. Tổ chức triển khai hoạt động phối hợp y tế công tư trên địa bàn tỉnh.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin