Chuyển biến nông thôn mới vùng xa

07:03, 10/03/2022
Qua quá trình tổ chức triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đạ Tẻh có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.
 
Cơ giới hóa trên cánh đồng nếp quýt công nghệ cao ở xã nông thôn mới An Nhơn, Đạ Tẻh
Cơ giới hóa trên cánh đồng nếp quýt công nghệ cao ở xã nông thôn mới An Nhơn, Đạ Tẻh
 
•  HUY ĐỘNG 142,2 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 
 
Theo UBND huyện Đạ Tẻh, trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện này khoảng 142,2 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 97,5 tỷ đồng, vốn Nhân dân đối ứng 44,7 tỷ đồng. Kết quả đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đạt chuẩn 277,5 km, tăng 34,6% so với trước khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, đường giao thông từ trung tâm các xã đến đường huyện Đạ Tẻh chiều dài 57,84 km, đạt chuẩn 100%. Các tuyến trục xã, liên xã với chiều rộng nền đường 6,5 m đến 7,5 m; mặt đường 3,5 m đến 5,5 m, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đường trục thôn, liên thôn đạt chuẩn 91,5 km, chiều rộng nền đường 5 m, mặt đường 3 m. Đường ngõ xóm đạt chuẩn 61,8 km, tỷ lệ cứng hóa 69,8%, đảm bảo thoát nước, không gây ô nhiễm môi trường và không lầy lội vào mùa mưa. Đường trục chính nội đồng chiều dài 89,62 km, cứng hóa đạt chuẩn 66,4 km, tỷ lệ cứng hóa 74%, đảm bảo cho xe cơ giới vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. 
 
 Bên cạnh đó, trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Đạ Tẻh là địa phương được đầu tư hạ tầng thủy lợi lớn nhất so với các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng về số lượng công trình với tổng kinh phí khoảng 715 tỷ đồng. Tiêu biểu như công trình thủy lợi Đạ Lây thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã thi công hoàn thành giai đoạn 1 đập đầu mối 246 tỷ đồng; công trình nâng cấp đập Đạ Tẻh và kiên cố kênh mương với kinh phí 287 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống thủy lợi huyện Đạ Tẻh có 11 công trình gồm: 9 hồ chứa nước với dung tích hữu ích hơn 44 triệu mét khối, 1 trạm bơm và 1 đập dâng. Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa 186 km, đạt 80%. Tổng diện tích gieo trồng được tưới tiêu chủ động 10.515 ha, đạt 84,4%, trong đó diện tích được tưới tiết kiệm (tưới phun, tưới nhỏ giọt) trên cây ăn trái và dâu tằm 2.200 ha, đạt tỷ lệ gần 17,7%. 
 
Đáng kể, hệ thống hạ tầng điện phát triển rộng khắp trên địa huyện Đạ Tẻh với chiều dài 171,47 km đường dây trung thế 1 pha và 3 pha; 176,54 km đường dây hạ thế 1 pha và 3 pha; 245 trạm biến áp phân phối 1 pha và 3 pha, dung lượng 20.310,5 kVA. Nguồn điện cung cấp cho người dân đảm bảo chất lượng và an toàn, từ nguồn chính 22kV trạm 110 kV Đạ Tẻh, nguồn dự phòng 22 kV từ Đạ Huoai thông qua phát tuyến 471, 472, 474, 476.
 
TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT GIỮA HỘ NÔNG DÂN VỚI CÁC DOANH NGHIỆP
 
“Nguồn vốn đầu tư do ngân sách Nhà nước đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới đã được UBND huyện Đạ Tẻh phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để đạt chuẩn các tiêu chí giao thông, trường học, điện, cơ sở vật chất văn hóa, hỗ trợ phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu...”, UBND huyện Đạ Tẻh đánh giá. 
 
Cũng theo UBND huyện Đạ Tẻh, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện này đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đó là thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cây điều già cỗi sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; duy trì thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tăng thu nhập cho hộ gia đình; chương trình trợ giá, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; đề án trồng cây cao su tập trung tại 2 xã Quốc Oai và Mỹ Đức, trồng tre tầm vông ở thôn Tố Lan, xã An Nhơn, các mô hình trồng dâu nuôi tằm bước đầu đã có thu hoạch và mang lại hiệu quả khả quan... Ngoài ra qua thống kê số hộ dân tộc thiểu số ở các xã nông thôn mới trong huyện Đạ Tẻh sử dụng điện lưới quốc gia trên 98%; hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 85%; 100% thôn, tổ dân phố có đường giao thông thuận tiện trong cả hai mùa mưa và nắng, trong đó, có trên 70% được cứng hóa, bê tông hóa. Điển hình ở khu vực Tôn K’Long, xã Đạ Pal kết cấu hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn thiện; nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, dự án được đầu tư có hiệu quả; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số địa phương...
 
Trong thời gian tới, huyện Đạ Tẻh xác định mục tiêu cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng đời sống người dân, vì vậy căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của địa phương, vận động bà con Nhân dân vùng dân tộc thiểu số đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; thâm canh tăng vụ, tăng cường liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho Nhân dân quản lý và bảo vệ rừng để hưởng lợi từ tiền khoanh nuôi bảo vệ và dịch vụ môi trường rừng; tích cực chăm sóc diện tích cây cao su, tre tầm vông bên cạnh các mô hình mới đưa vào trồng thử nghiệm cây dược liệu dưới tán cây điều...
 
VĂN VIỆT