Đẩy mạnh thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

06:03, 11/03/2022
Cơ quan chức năng đánh giá, thời gian qua, việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn ở mức thấp, nhiều địa phương thiếu bể chứa thu gom, còn loay hoay trong xử lý loại rác thải nguy hại này.
 
Người dân bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào thùng chứa tại Phường 12, TP Đà Lạt
Người dân bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào thùng chứa tại Phường 12, TP Đà Lạt
 
Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh sử dụng khoảng gần 3,8 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tương ứng lượng bao gói thuốc phát sinh khoảng 185 tấn/năm. Tính đến cuối năm 2021, có 9/12 huyện, thành phố đã lắp đặt được 3.152 bể thu gom bao gói thuốc BVTV. Tuy nhiên, lượng bao gói được thu gom và tiêu hủy đúng quy định năm 2021 đạt 33,5 tấn/185 tấn, chỉ chiếm 18,1%. Trong khi đó, khối lượng thu gom bao bì thuốc BVTV hàng năm tăng, giảm thất thường. Đơn cử như năm 2018 và 2019, toàn tỉnh tiêu hủy đúng quy định trung bình bao bì thuốc BVTV mỗi năm khoảng 4,3 tấn nhưng tới năm 2020 lên trên 6,6 tấn và năm 2021 giảm xuống còn 3,8 tấn/năm.
 
Tại huyện Lâm Hà, đơn vị trực tiếp thu gom bao vì thuốc BVTV là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện cho biết, định kỳ 6 tháng 1 lần sẽ tiến hành thu gom từ các bể thu gom đặt ngoài đồng trên địa bàn các xã, sau đó đưa về kho chứa tại bãi rác tập trung của huyện chờ đơn vị khác tới mang đi tiêu huỷ theo quy định. Từ đầu năm 2021 tới thời điểm này, Ban quản lý đã thu gom khoảng 850 kg rác thải bao bì thuốc BVTV trên địa bàn huyện. Theo đánh giá, mặc dù ý thức người dân về vấn đề này được cải thiện, số bể thu gom tăng dần nhưng đơn vị này cho biết quá trình thu gom rác định kỳ nhiều bể thu gom người dân không bỏ hoặc có rất ít rác, hoặc rác thải thuốc BTVT thường xuyên lẫn với các loại rác thải sinh hoạt khác.
 
Còn tại địa bàn TP Đà Lạt, nơi có lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng lớn nhất trên địa bàn tỉnh, đồng thời, được đánh giá là địa phương đi đầu trong thu gom, xử lý loại rác thải nguy hại này thực tế vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Theo UBND TP Đà Lạt, trong 4 năm qua, thành phố đã xử lý đúng quy định hơn 20 tấn bao bì thuốc BVTV sau sử dụng với tổng số gần 250 bể thu gom trên địa bàn. Theo đánh giá, mặc dù số bể thu gom nhiều nhưng vẫn còn nhiều nơi người dân chưa có thói quen bỏ bao bì thuốc BVTV đúng địa điểm, còn tình trạng thải bỏ trực tiếp ra môi trường, trôi ra một số con suối, hồ sau những cơn mưa lớn. Điển hình là tại khu vực du lịch hồ Than Thở mỗi trận mưa lớn, lượng rác thải nông nghiệp trong đó có chai, lọ, bịch nilong thuốc trừ sâu bệnh từ hướng Phường 12 trôi dạt số lượng lớn xuống lòng hồ, gây ô nhiễm môi trường nước. Dù thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản chấn chỉnh, xử lý nhưng chưa thể giải quyết triệt để.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định, hiện nay, phần lớn người dân đã nhận thức được tác hại của bao gói thuốc BVTV và tổ chức thu gom vào bể chứa nhưng do nguồn kinh phí của các địa phương còn khó khăn nên chưa bố trí lắp đặt đầy đủ hệ thống bể thu gom và tổ chức tiêu hủy bao gói thuốc BVTV theo quy định, đặc biệt là các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, TP Bảo Lộc, Đam Rông và Lâm Hà.
 
Để đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn, ngày 25/1/2021, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản số 113/SNN-TTBVTV gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị tăng cường công tác quản lý thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Từ năm 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường 22 tỉnh, thành phía Nam cấp phát 12.000 tờ rơi hướng dẫn thu gom bao gói thuốc BVTV cho nông dân; dán 400 poster tuyên truyền về Chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường tại UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn 200 lớp cho 9.600 lượt nông dân về sử dụng, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hướng dẫn việc lắp đặt bể chứa, kho lưu chứa và tổ chức thu gom tiêu hủy bao gói thuốc BVTV theo đúng quy định đồng thời, lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn để tập huấn, tuyên truyền cho nông dân các địa phương thực hiện tốt việc phân loại, thu gom để tiêu hủy tại các đơn vị có đủ điều kiện tiêu hủy chất thải nguy hại. 
 
C.PHONG