Di Linh: Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển thương hiệu, liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị

05:03, 29/03/2022
Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Hình thức này cũng đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đó đang là xu thế tất yếu.
 
Mới đây, UBND huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 811/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Di Linh về phát triển nông nghiệp chất lượng cao, phát triển thương hiệu, liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Di Linh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch này tập trung vào các giải pháp cụ thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Mục tiêu huyện Di Linh đặt ra là khai thác, phát huy các thế mạnh về nông nghiệp của huyện; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất bền vững và an toàn, đảm bảo chất lượng; Tập trung nguồn lực và việc đổi mới sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững, với mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; nông dân là chủ thể”. Cùng với đó, xây dựng các mô hình liên kết để tạo sự bứt phá trong hình thành mạng lưới tiêu thụ hàng nông sản mang lại hiệu quả cao cho cả doanh nghiệp - hợp tác xã và nông dân. 
 
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Di Linh đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông, lâm nghiệp là 5,4%. Trong lĩnh vực trồng trọt, sẽ ổn định diện tích cây lương thực, cây chè, cà phê hiện có nhưng xác định cà phê là cây trồng chủ lực với khoảng 70 % diện tích cà phê phải được sản xuất theo quy trình, chứng nhận của nhà xuất khẩu, rang xay, gắn với đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng, có thế mạnh cạnh tranh thị trường tiêu thụ. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, phát triển theo hướng bền vững, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại. 
 
Đứng trước sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, ngành Nông nghiệp nói chung buộc phải chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, theo phương châm tăng giá trị, giảm đầu vào, hình thành các chuỗi giá trị. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện Di Linh cũng đã đề ra kế hoạch sẽ tập trung giải quyết việc tổ chức sản xuất phù hợp với quy mô và đặc thù của từng địa phương, cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn trong việc tăng trưởng bền vững. Tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp... để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm. Điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh quảng bá và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các nông sản chủ lực, thế mạnh của địa phương; tăng cường năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản. Mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, mỗi xã có ít nhất có 1 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên. Huyện cũng đặt kế hoạch duy trì chặt chẽ các liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hiện có; tập trung hỗ trợ có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt. Mục tiêu hướng đến là cuối năm 2025 có 80% sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết. Huyện cũng sẽ lựa chọn một số sản phẩm được sản xuất theo hướng nông nghiệp chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu; hướng đến xây dựng trở thành trung tâm sản xuất cà phê và cây ăn quả của tỉnh. 
 
Một số chính sách khuyến khích thúc được đề ra để đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Tập trung hỗ trợ phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX để các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Song song đó tập trung vào đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường; hỗ trợ HTX tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. 
 
Mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp đặt ra là phải phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của cả tỉnh, phát triển kinh tế nông nghiệp theo lợi thế tiểu vùng sinh thái, theo hướng nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đặc hữu, sản phẩm OCOP và lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, động lực then chốt để phát triển sản xuất. Di Linh cũng tập trung vào phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp chế biến quy mô phù hợp trên cơ sở tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 gắn với kinh tế số, chuyển đổi số để kết nối vùng sản xuất với chế biến và thị trường. 
 
NGUYÊN THI