Nỗ lực đưa hàng hóa địa phương vào các chuỗi bán lẻ

06:03, 09/03/2022
Tính đến hết năm 2021, Lâm Đồng có 131 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, số lượng sản phẩm được UBND tỉnh ký quyết định và cấp giấy chứng nhận 3 sao là 58 sản phẩm; 4 sao 66 sản phẩm; 5 sao với 7 sản phẩm. Hiện, các chủ thể OCOP trong tỉnh đang tích cực tiếp cận, đưa ngày càng nhiều hơn những sản phẩm địa phương đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống bán lẻ. 
 
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng và cả nước nói chung được bày bán rộng rãi tại Siêu thị Go! Đà Lạt
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng và cả nước nói chung được bày bán rộng rãi tại Siêu thị Go! Đà Lạt
 
Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc được thành lập từ năm 2015, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch tại TP Đà Lạt. Trường Phúc cũng là một trong những công ty tiên phong phát triển rau trồng thủy canh đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, Công ty cũng là đơn vị có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tiêu biểu của huyện Lạc Dương. Sau hơn 6 năm hoạt động, Công ty đã đạt được nhiều thành công với hơn 5 ha nhà kính trồng rau công nghệ cao, cung cấp cho các hệ thống siêu thị như BigC, Metro, Bách hóa xanh... cùng với các hệ thống siêu thị mini mart trên toàn quốc. 
 
Anh Tô Quang Dũng - Giám đốc Công ty chia sẻ: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty đã kiên trì thực hiện việc xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện khắp trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng cũng như trong cả nước nói chung. Bên cạnh đó, để được chấp thuận mở gian hàng trưng bày, bán sản phẩm tại siêu thị, trung tâm thương mại, sản phẩm của Công ty cũng phải chứng minh được đầy đủ các tiêu chuẩn, chất lượng, có mẫu mã, bao bì, nhãn mác phù hợp với điều kiện kinh doanh của đối tác.
 
Riêng trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, lượng sản phẩm các loại rau, củ, quả của Công ty cung ứng cho các đối tác vẫn tăng rất đáng kể. Đặc biệt, kể từ thời điểm tháng 12/2021, Công ty đã ký được hợp đồng cung cấp các loại rau, củ, quả như: dưa leo, cà chua, rau xà lách thủy canh… cho Siêu thị Go! Đà Lạt. Thông qua việc giới thiệu, bán sản phẩm tại gian hàng trưng bày tại Siêu thị Go! Đà Lạt, sản phẩm của Công ty đã đến gần hơn với người tiêu dùng tại TP Đà Lạt. Đồng thời, làm cơ sở, nền tảng để sản phẩm có thêm cơ hội được tiếp cận với nhiều siêu thị, hệ thống siêu thị hiện đại hơn trong, ngoài tỉnh.
 
Trong khi đó, đối với chàng trai Phạm Toản, sinh năm 1995 (thôn Quế Dương, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) - chủ thương hiệu Mật ong PT Lâm Đồng, việc được Siêu thị Go! Đà Lạt chấp nhận đưa sản phẩm vào trưng bày và bán tại siêu thị đã giúp cho sản phẩm OCOP của đơn vị được nâng tầm rõ rệt. Thông qua việc giới thiệu, bán sản phẩm tại gian hàng trưng bày tại Siêu thị Go! Đà Lạt, sản phẩm Mật ong PT Lâm Đồng đã đến gần hơn với người tiêu dùng. 
 
Toản cho bết: Kể từ thời điểm cuối năm 2020, sau khi được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm Mật ong PT Lâm Đồng đạt OCOP 3 sao, đơn vị đã rất nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cũng đã đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường. Trong đó, chuỗi bán lẻ chiến lược mà Mật ong PT Lâm Đồng hướng tới đó là Siêu thị Go! Đà Lạt. Hiện nay, với 2 quầy hàng trưng bày sản phẩm tại Siêu thị Go! Đà Lạt đã thu hút sự quan tâm của khách hàng, người tiêu dùng. Riêng trong năm vừa qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm tại siêu thị có giảm, song mỗi ngày, gian hàng giới thiệu và tư vấn cho hàng chục lượt khách. Theo đó, trung bình bán từ 20 - 30 sản phẩm, doanh thu khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/ngày. 
 
Những năm qua, cùng với việc xây dựng sản phẩm OCOP để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn; đồng thời, để người dân được tiếp cận, sử dụng những sản phẩm uy tín, có chất lượng, nhất là những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh; các sở, ngành, đơn vị liên quan và các chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, nhất là chú trọng giải pháp đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị. 
 
Trao đổi về vấn đề hỗ trợ, đưa sản phẩm OCOP vào chuỗi bán lẻ như siêu thị, ông Trần Như Hùng Tấn - Giám đốc Siêu thị Go! Đà Lạt chia sẻ: Bên cạnh nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định được vị thế và đang có mặt tại các quầy hàng của siêu thị như: cà phê, mắc ca, mặt hàng rau, củ, quả các loại … thì cũng còn rất nhiều đơn vị sản xuất còn chưa có tâm thế chủ động, chưa sẵn sàng đưa hàng vào siêu thị.
 
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chỉ dừng lại ở loại hình kinh doanh hộ cá thể, không đảm bảo số lượng hàng và thiếu các giấy tờ cần thiết. Vấn đề bao bì nhãn hiệu, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế. Nếu khắc phục được các điều kiện này, việc đưa hàng lên kệ siêu thị cũng chẳng có gì là khó. “Riêng tại Siêu thị Go! Đà Lạt, chúng tôi sẽ luôn dành một số khoảng không gian có vị trí đẹp để bày bán các sản phẩm OCOP không chỉ của tỉnh Lâm Đồng mà còn đến từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước” ông Tấn cho hay.
 
HOÀNG SA