Tận dụng được hồ chứa nước thủy lợi của địa phương, anh Nghiêm Xuân Thúy (50 tuổi) tại Thôn 8, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng thành công mô hình nuôi cá bán thâm canh, tạo mức thu nhập ổn định cho gia đình, mở hướng đi mới trong việc nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
Anh Nghiêm Xuân Thúy nuôi cá bán thâm canh, tạo thu nhập ổn định cho gia đình |
Được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh giới thiệu về mô hình nuôi và thả cá giống đạt hiệu quả cao tại địa phương, chúng tôi tìm đến Thôn 8, xã Đạ Kho với ý định gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm của anh Thúy - người đang nuôi cá bán thâm canh trên vùng đất này.
Dẫn chúng tôi vào xem những lồng cá vuông vắn nằm san sát nhau, anh nói rằng: “Sau khi biết đến mô hình nuôi cá này, tôi làm hồ sơ gửi về Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi tỉnh để xin hợp đồng nuôi trồng. Tôi bắt đầu nuôi từ năm 2015, ban đầu, mua hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng để đầu tư nuôi cá giống sau đó thả ra hồ. “Lấy ngắn nuôi dài” nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình tôi gặp không ít khó khăn, riêng năm đầu tiên, tôi mất trắng hơn 600 triệu đồng vì nuôi cá không đạt hiệu quả”.
Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm nuôi cá thâm canh, anh Thúy bắt đầu tìm tòi từ một số lồng nuôi cá của bạn bè ở các tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; tích cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình nuôi cá giống có hiệu quả, dần sau này, anh mới có thể tích lũy được kinh nghiệm. “Lúc đầu chưa biết nên tôi đang làm các lồng bè bằng gỗ, tuy nhiên, nhận thấy gỗ không bền nên đầu tư làm lồng bè bằng sắt. Tính chi phí bỏ ra để vừa mua giống và làm lồng nuôi là khoảng 200 triệu đồng; trong đó, tôi được Trung tâm Nông nghiệp huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để phát triển mô hình. Ban đầu, tôi chỉ nuôi với diện tích nhỏ với 4 lồng bè cá, sau một thời gian, thấy việc nuôi cá giống đem lại hiệu quả, tôi quyết định làm thêm 4 lồng bè để nuôi thêm nhiều loại cá khác nhau. Với diện tích hơn 200 m2 mỗi lồng nuôi các loại cá giống như: trắm đen, diêu hồng, chép, tra, trôi, rô đơn tính... Thấy thế chứ nghề này cũng làm giàu được cô ạ!” - anh Thúy cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá giống của mình, anh Thúy chia sẻ: “Cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Để đảm bảo chất lượng con giống và năng suất, cần phải cải tạo, vệ sinh lồng cá theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cá giống xong thì cần xử lý nước trong lồng nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Cá giống phải khỏe mạnh, không xây xát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao mới có thể xuất bán được. Đến thời điểm hiện tại, các lồng cá của tôi tỷ lệ sống khi thả ra ngoài đạt trên 95%”.
Đối với các loại giống cá, anh Thúy nhập cá con 3 đến 5 ngày tuổi từ các tỉnh miền Tây rồi thả vào lồng để nuôi, khi cá đạt khoảng 1 kg, anh bắt đầu thả cá ra hồ để cá sinh sống và phát triển tự nhiên. Anh cho biết: 3 tháng tôi thả một lần, mỗi lần như thế tôi thả đến hàng nghìn con đủ các loại. Hiện, tôi đang nuôi khoảng 2.000 con cá lăng, còn các lồng còn lại, mỗi 1 lồng nuôi 15 kg cá giống đủ các loại. Với nguồn thức ăn cho cá cũng khá đơn giản, chỉ là bột, cám, gạo, ngô, bột đậu tự chế biến tại nhà hoặc những từ những hộp tằm bị hỏng. Về giá trị kinh tế, hiện nay, các loại như cá lăng đuôi đỏ khi thả ra hồ, con tầm 3 đến 4 kg, anh sẽ bán với giá 180.000 đồng/kg, cá chép trên 3 kg anh sẽ bán với giá 100.000 đồng/kg, còn cá diêu hồng bán với giá 50.000/kg...
Anh Thúy cho biết thêm, năm nay, việc nuôi cá giống diễn ra rất thuận lợi. Thời tiết tốt, điều kiện nước tại hồ sạch sẽ nên cá khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao, cá bán được giá và rất được khách hàng ở xa tín nhiệm. Hiện nay, số lượng cá của anh Thúy chủ yếu bán cho các thương lái lân cận. Với cách làm này, hơn 2 năm nay, gia đình anh đã có thu nhập ổn định từ nghề sản xuất và kinh doanh nuôi cá bán thâm canh.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều mô hình thủy sản nuôi cá để hỗ trợ người dân, tuy nhiên, đa số người dân chưa biết cách tận dụng được hồ chứa nước thủy lợi của địa phương. Đối với mô hình của anh Thúy, đây là mô hình nuôi cá kết hợp các kỹ thuật tổng hợp. Gọi là bán thâm canh, bởi mô hình này vừa kết hợp làm lồng bè để nuôi cá con, sau khi cá lớn sẽ được thả ra hồ để cá sinh sống và phát triển trong môi trường tự nhiên. Đối với mô hình này, địa phương đang khuyến khích người dân học hỏi, nhằm nhân rộng hướng đi mới về cách làm kinh tế của bà con trong thời gian tiếp theo.
T.T.HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin