Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai, chi nhánh Lâm Đồng (gọi là Công ty) hiện đang quản lý 10.662,88 ha rừng, phân bố trên 6 huyện, 2 thành phố và trải rộng trên 49 xã, 3 thị trấn. Diện tích được giao, thuê là 6471,18 ha; diện tích liên doanh liên kết đang lập thủ tục thuê đất là 4.191,70 ha. Những năm gần đây, Công ty nỗ lực tập trung phát triển rừng theo hướng đạt các tiêu chí chứng nhận bảo vệ rừng FSC. Đó là bảo đảm được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng giữa các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan.
|
Một khoảnh rừng bị kẻ xấu hạ độc năm 2016 |
Theo báo cáo của Công ty tại “Hội nghị Tổng kết và triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) của tỉnh”, trong những năm gần đây, tình hình diễn biến công tác QLBVR của đơn vị hết sức phức tạp. Các đối tượng phá rừng thường rất liều lĩnh, chống đối lực lượng vảo vệ rừng khi bị phát hiện, đồng thời, dùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp như dùng khoan điện nhằm không gây tiếng ồn để khoan lỗ, bỏ thuốc độc gây chết cây, dùng phương tiện xe giới... Một số khu vực quản lý của đơn vị thuộc vùng xa, vùng khó khăn, có khoảng cách xa so với văn phòng các Ban QLBVR nên việc bố trí lực lượng tại chỗ để trực, phát hiện vi phạm rất khó khăn, đặc biệt, các đối tượng vi phạm thường thực hiện hành vi vào ban đêm.
Để đối phó với tình hình phức tạp và quản lý tốt diện tích rừng, đất lâm nghiệp mà UBND tỉnh giao, đơn vị đã khoanh vùng, xác định điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp; phân công lực lượng lập chốt, trạm, tăng cường tuần tra, kiểm tra; phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra QLBVR, giải tỏa thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Những diện tích rừng bị các đối tượng khoan cây, đổ hóa chất độc hại sau khi báo cáo ngành chức năng, đơn vị tổ chức lực lượng kịp thời cứu chữa cây trong 1 - 3 ngày cây bị khoan, phá bằng biện pháp khoan mở rộng lỗ và bơm dầu nhờn vào để giải độc. Phương pháp này rất hiệu quả đã giúp Công ty cứu được cây rừng và sau thời gian khoảng 30 ngày, cây trồng phát triển trở lại.
Thời gian qua, những vụ phá rừng có tính chất phức tạp, quy mô, thiệt hại lớn đều được đơn vị trình báo với công an địa phương để tiến hành điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật. Các vụ phá rừng sau khi ngành chức năng tiếp nhận hồ sơ, đơn vị còn cử người liên tục bám sát, hỗ trợ nhằm sớm có kết quả xử lý. Những diện tích đã giải tỏa, thu hồi nhưng người dân cố tình chiếm giữ, tái lấn chiếm, đơn vị kiên quyết giải tỏa nhiều lần để phát triển lại rừng.
Số liệu của Công ty cho thấy, năm 2021, ngoài việc QLBVR, phát triển vốn rừng hiện có, đơn vị còn trồng lại rừng được 56,79 ha đất thu hồi do người dân phá, lấn chiếm rừng; tổ chức tuần tra, QLBVR phát hiện và lập biên bản 68 vụ vi phạm, thiệt hại 15,41 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đơn vị cũng phối hợp ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi 7,13 ha đất người dân lấn chiếm để trồng lại rừng theo quy định. Cũng trong năm 2021, Công ty đã gửi 12 đơn trình báo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm để tố giác hành vi phá rừng, gây thiệt hại tài sản của Công ty có dấu hiệu tội phạm.
Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác QLBVR và PTR, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sống gần rừng tham gia bảo vệ rừng. Những khu vực xác định là điểm nóng, vùng sâu, vùng xa, đơn vị đã chốt cử, thuê người dân để cung cấp thông tin khi xảy ra phá rừng và bảo mật cho người cung cấp thông tin; tổ chức ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng với các hộ dân có vườn rẫy tiếp giáp với rừng của công ty; phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra, QLBVR…
Để tăng cường công tác QLBV&PTR, đơn vị sẽ lập kế hoạch, phân công đến từng nhân viên, lực lượng chuyên trách thường xuyên tuần tra QLBVR, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm chặt phá, lấn chiếm, vận chuyển, khai thác rừng trái phép; lập kế hoạch, mật phục vào ban đêm để truy tìm đối tượng vi phạm tại những điểm nóng phá rừng. Song song đó, tăng cườngc ông tác phối hợp với các ngành chức năng truy tìm thủ phạm để xử lý theo quy định.
Để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng cho mùa khô 2021 - 2022, đơn vị cũng đã xây dựng hoàn thiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tại 7 huyện và thực hiện phân công nhiệm vụ trực PCCCR tới từng cán bộ công nhân viên, lực lượng chuyên trách, các hộ khoán bảo vệ rừng. Tăng cường trực PCCCR tại những địa điểm có nguy có xảy ra cháy cao. Để tiếp tục phát triển rừng, trong năm nay, Công ty cho biết, sẽ tiếp tục trồng rừng trên đất do phá rừng, thu hồi, rừng sau khai thác diện tích 154,79 ha, trong đó huyện Đức Trọng 4,86 ha; tại Lâm Hà 7,39 ha; tại Di Linh 16,16 ha; Bảo Lâm 18,74 ha và trồng lại rừng sau khai thác keo lai tại Đam Rông 107,64 ha.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin