Vững vàng sự nghiệp giáo dục

06:03, 28/03/2022
Với mục tiêu phát triển giáo dục căn bản và toàn diện, thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Di Linh đã gặt hái không ít thành tích nổi trội, trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của ngành Giáo dục tỉnh nhà. 
 
Phương pháp giáo dục của huyện Di Linh luôn được sáng tạo và đổi mới
Phương pháp giáo dục của huyện Di Linh luôn được sáng tạo và đổi mới
 
•  KHÔNG NGỪNG PHẤN ĐẤU VÀ PHÁT TRIỂN
 
Chia sẻ về những nỗ lực trong suốt chặng đường phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện, ông Phan Đình Đồng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh cho biết, Di Linh hiện có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nên công tác triển khai giáo dục, dạy học trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành Giáo dục huyện đã không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và chủ động tiếp cận công nghệ, cải tiến phương pháp tổ chức và dạy học. 
 
Mỗi năm, mỗi giai đoạn ngành luôn phấn đấu và đạt được nhiều thành tích nổi trội. Đáng chú ý, những năm 2000 đến 2005, số học sinh người DTTS trên địa bàn huyện hàng năm tăng trên 10%, toàn huyện được công nhận xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học trong độ tuổi. Cùng với đó, số lượng trường học liên tục tăng đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, trong đó, hơn 16% trường đạt tiêu chuẩn quốc gia năm 2010. Đến năm 2015, Di Linh đã có 40% trường đạt tiêu chuẩn quốc gia và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. 
 
“Tiếp nối những thành tích đạt được, nhiều năm qua, ngành Giáo dục huyện luôn chú trọng, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, coi đây là một trong những động lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bên cạnh tập trung đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và phương pháp học tập của học sinh, Phòng còn đề ra mục tiêu đạt tốt về chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ, giáo viên” - ông Đồng nhấn mạnh.
 
Nhờ đó, chất lượng giáo dục của huyện được nâng cao theo từng năm. Đến năm 2021, trên toàn huyện có 56/76 trường đạt chuẩn quốc gia; gần 78% trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo; toàn bộ trẻ em DTTS trên địa bàn huyện đều được tăng cường tiếng Việt.
 
Về cơ sở vật chất, trên 85% cơ sở giáo dục bao gồm cả tư thục được đầu tư trang thiết bị đủ tiêu chuẩn đánh giá tiêu chuẩn quốc gia; toàn bộ các xã, thị trấn được đánh giá đảm bảo tiêu chí nông thôn mới. Tất cả các trường trên địa bàn bao gồm cả mầm non và mẫu giáo có kết nối Internet và phần mềm quản lý. 
 
•  LINH HOẠT VÀ SÁNG TẠO
 
“Để đạt được những thành tích trên, Phòng Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị giáo dục trên địa bàn đã không ngừng cải tiến, chủ động nghiên cứu sáng tạo và đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực. Muốn có trò giỏi trước hết phải có giáo viên giỏi, do đó, Phòng đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ cho giáo viên” - ông Đồng nói thêm. Ngay từ đầu năm, Phòng và các đơn vị trường học tổ chức cho các cá nhân đăng kí đề tài, sáng kiến kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác. Hàng năm, huyện có trên trên 600 sáng kiến công nhận cấp trường, 250 sáng kiến được công nhận cấp huyện và trên 15 sáng kiến công nhận cấp tỉnh.
 
Đặc biệt, với chương trình giáo dục trung học, Phòng Giáo dục huyện đã chỉ đạo và phát triển các phương pháp giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nâng cao hiệu quả giáo dục các môn khoa học (STEM). Đồng thời, xây dựng kế hoạch giáo dục của từng môn học, sắp xếp các bài học theo chủ đề; xây dựng một số bài học thành các nhiệm vụ học tập của học sinh theo phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, phù hợp với từng thời điểm, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Mặt khác, trong kế hoạch giáo dục, các trường cũng xây dựng, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. 
 
Bên cạnh đó, công tác giáo dục phổ cập luôn được Phòng quan tâm. Đến hiện tại, huyện có 19/19 xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục THCS, sĩ số duy trì hàng năm đạt trên 98%; công tác đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục được chú trọng, toàn bộ các trường THCS đều tổ chức tự đánh giá và đánh giá công nhận chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Đến năm 2021, toàn huyện có 15/22 trường THCS được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (chiếm 68,2%); tỷ lệ tốt nghiệp THCS hàng năm trên 98%…
 
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thay đổi cải tiến chương trình giáo dục và sự phức tạp của các yếu tố ngoại cảnh như dịch bệnh vừa qua, yêu cầu Phòng phải liên tục theo sát tình hình thực tế và áp dụng các giải pháp thiết thực để phát triển bền vững. 
 
Những thành quả nổi bật trên là “quả ngọt” suốt chặng đường dài nỗ lực không ngừng nghỉ phấn đấu, sáng tạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh. Đặc biệt, tập thể cán bộ, công nhân viên Phòng cũng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. “Với truyền thống phát triển, bản lĩnh và kiên trì phấn đấu của mình, Phòng Giáo dục huyện sẽ không ngừng sáng tạo, cải tiến và phát triển để sự nghiệp giáo dục huyện xứng đáng là một trong những lá cờ đầu của ngành Giáo dục tỉnh” - ông Đồng chia sẻ. 
 
NHẬT QUỲNH