Đảm bảo ATGT, ngoài đúng luật còn phải có văn hoá giao thông

06:04, 15/04/2022
“Lái xe là loại hình hoạt động quyết định sinh mạng con người” và “Là loại hình hoạt động có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều tai nạn giao thông đường bộ”. Chính vì vậy, người lái xe ngoài việc phải thực hiện đúng qui định của pháp luật về giao thông còn phải xây dựng cho bản thân mình văn hóa khi tham gia giao thông.
 
Đội tuyên truyền Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và văn hoá giao thông cho người dân
Đội tuyên truyền Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và văn hoá giao thông cho người dân
 
Để cải thiện tình hình trật tự an toàn giao thông, đặc biệt nhằm giảm số vụ tai nạn giao thông (TNGT), ngoài thực hiện các chính sách pháp luật, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông - yếu tố nhận thức của con người luôn được đặt lên hàng đầu.
 
Văn hóa giao thông (VHGT) là một bộ phận của văn hóa ứng xử của con người khi tham gia giao thông. Có 2 yếu tố quan trọng quyết định VHGT, đó chính là tính pháp lý và tính cộng đồng trong VHGT. Theo đó, người có VHGT phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động như vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật đèn chiếu xa khi tham gia giao thông trong đô thị, khu đông dân cư... Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.
 
Bên cạnh đó, người tham gia giao thông không chỉ tự giác chấp hành nghiêm chỉnh những
 
quy định của pháp luật mà còn cần phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Đó chính là sự tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ và ứng xử một cách văn hóa giữa những người tham gia giao thông với nhau. Điều này được thể hiện rõ qua việc không chen lấn khi đường đang đông người qua lại, hay đơn giản là những cử chỉ đẹp khi tham gia giao thông như giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông, dắt cụ già hay em nhỏ qua đường. Nó còn được thể hiện ở cách mà người tham gia giao thông cùng phối hợp với lực lượng cảnh sát ngăn chặn những hành vi vi phạm, thông báo cho cơ quan chức năng biết nếu thấy các sự cố về cơ sở hạ tầng.
 
Tính cộng đồng trong văn hóa giao thông sẽ giúp được phần nào trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông, hay những vụ tranh cãi khi có tai nạn giao thông góp phần xây dựng một văn hóa giao thông đúng nghĩa. Đồng thời, nó còn giúp người tham gia giao thông xác định mình là một người có văn hóa khi tham gia giao thông.
 
Ngày nay, do sự cạnh trang khá khốc liệt của cơ chế thị trường ít nhiều cũng đã có những tác động tích cực đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô, nhưng cũng đồng thời làm phát sinh một số tác động tiêu cực đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, thực hiện tốt các tiêu chí cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ô tô, xây dựng đội ngũ lái xe có trình độ chuyên môn giỏi, có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, tinh thần và thái độ phục vụ hành khách, chủ hàng tốt nhất. Điều này cũng chính là đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, tạo ra VHGT. 
 
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là vẫn còn nhiều lái xe do áp lực về thời gian và tour, chuyến nên dù biết là nguy hiểm nhưng vẫn có hành vi phóng nhanh, vượt ẩu; sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, ngày nay, với sự phát triển rất nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân thì vấn đề VHGT lại càng trở nên cấp thiết khi theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng TNGT ở nước ta hiện nay là do ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông còn chưa cao. Quá trình tham giao giao thông vẫn còn rất nhiều người có hành vi chưa văn hoá. Nhiều người khi tham giao thông còn uống rượu, bia, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm. 
 
Bản thân tôi khi tham gia giao thông hay khi phối hợp làm công tác tuyên truyền cùng lực lượng CSGT đã không ít lần chứng kiến người điều khiển tham gia giao thông say xỉn nhưng vẫn điều khiển ô tô chở theo người thân; hay ở khu vực các nút giao thông lớn cũng đã không ít lần người viết bài này đã chứng kiến cảnh một số người dân điều khiển phương tiện giành đường lao về phía trước, khi đèn đỏ vẫn còn chưa chuyển sang màu xanh, hẳn rất nguy hiểm. Ở một số khu vực nông thôn, thanh, thiếu niên và cả người lớn tuổi điều khiển phương tiện giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm, chạy xe không biển số… Và hiện nay, ngay tại thành phố Đà Lạt, mỗi ngày chúng ta cũng đều có thể chứng kiến rất nhiều người tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô, gắn máy nhưng dừng, đỗ xe trái quy định, bạ đâu đậu đó gây cản trở giao thông… Có rất nhiều trường hợp chỉ va chạm nhẹ khi tham gia giao thông vào giờ cao điểm nhưng vì cư xử thiếu văn hoá nên đã dẫn đến những mâu thuẫn lớn.
 
Thời gian qua, để nâng cao ý thức và văn hoá tham gia giao thông cho người dân, Ban ATGT tỉnh cùng với các thành viên đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Giáo dục ý thức, tuyên truyền Luật Giao thông; giáo dục văn hóa tham gia giao thông tại các địa phương; phối hợp với các ngành, các trường học… đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông. VHGT được nâng cao đồng nghĩa với việc tạo nên một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện cho con người và vì con người. Chính vì vậy, vấn đề ATGT không chỉ là việc hiểu biết về Luật Giao thông, tham gia đúng luật mà còn cần có văn hoá khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, văn hoá tham gia giao thông hiện nay vẫn là vấn đề nan giải bởi những chênh lệch nhất định về nhận thức. Chính vì vậy, để nâng cao ý thức và văn hoá tham gia giao thông cho người dân, rất cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sự vào cuộc phối hợp đồng bộ, quyết liệt và trách nhiệm của cả gia đình và xã hội.
 
NGUYỄN NGHĨA