Nhiều vướng mắc xung quanh dự án thủy điện bị thu hồi

06:04, 18/04/2022
Do dự án Thuỷ điện Sardeung trên địa bàn huyện Lâm Hà và Đam Rông bị UBND tỉnh thu hồi năm 2016 tới nay nên nhiều hộ dân mong muốn được hoàn trả lại tiền đền bù, hỗ trợ đã nhận, đồng thời, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Nhiều diện tích đất thuộc dự án Thuỷ điện Sardeung bị khai thác khoáng sản lậu, lấn chiếm, sang nhượng trái phép
Nhiều diện tích đất thuộc dự án Thuỷ điện Sardeung bị khai thác khoáng sản lậu, lấn chiếm, sang nhượng trái phép
 
Về nội dung này, ngay đầu năm 2019, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền huyện Lâm Hà, Đam Rông rà soát toàn bộ hồ sơ xung quanh dự án thuỷ điện Sardeung, lên phương án xem xét cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân có nhu cầu sử dụng đất sau khi hoàn trả kinh phí bồi thường. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc liên quan tới quy định pháp luật.
 
•  DÂN MONG ĐƯỢC TRẢ LẠI TIỀN ĐỀN BÙ, CẤP LẠI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
 
Theo hồ sơ UBND huyện Lâm Hà cung cấp tới Báo Lâm Đồng: Năm 2006, Công ty Cổ phần Lilama 45.1 (Công ty Lilama 45.1) được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự án xây dựng Thủy điện Sardeung trên diện tích hơn 295 ha. Trong đó, diện tích dự án thu hồi tại địa bàn xã Đạ Đờn và Phúc Thọ, huyện Lâm Hà hơn 254 ha và xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông là 41,3 ha.
 
Tại huyện Lâm Hà, Công ty Lilama 45.1 đã phối hợp với chính quyền địa phương bồi thường, hỗ trợ cho 243/245 hộ dân với tổng số tiền hơn 24,1 tỷ đồng. Đến năm 2016, chủ đầu tư không thực hiện dự án theo quy định nên UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi dự án và giao cho UBND huyện Lâm Hà quản lý.
 
Và từ tháng 4/2016 đến nay, trong diện tích 254,35 ha đất được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Lâm Hà có trên 35 ha đất được tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Cao Nguyên thuê để thực hiện dự án thuỷ điện Sardeung. Diện tích còn lại huyện Lâm Hà quản lý là gần 219 ha, trong đó, phần lớn diện tích vẫn do người dân đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ từ năm 2006 sử dụng làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp.
 
Ông Trần Văn Cường (người dân xã Phúc Thọ) cho biết, bản thân ông và nhiều gia đình trong xã đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ trên đất từ năm 2006. Để tận dụng diện tích đất bỏ hoang hoá lãng phí, không sử dụng, gia đình ông đã canh tác tạm bợ, trồng cây nông nghiệp ngắn ngày để có thêm thu nhập. “Dự án làm thuỷ điện tỉnh thu hồi đã lâu nên chúng tôi mong muốn tỉnh có phương án thu hồi lại tiền đền bù, hỗ trợ trước đây và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để có đất sản xuất, ổn định đời sống" - ông Cường bày tỏ nguyện vọng.
 
Trong khi đó, nhiều số hộ dân tại thôn R’Hang Trụ cho hay, sau khi UBND tỉnh thu hồi dự án, có không ít các hộ dân đã mua bán, sang nhượng, tặng, cho diện tích đất trái pháp luật trong diện tích đất đã được Nhà nước thu hồi. Bên cạnh đó, chính quyền xã Phúc Thọ cũng liên tục ghi nhận thực trạng lấn chiếm và khai thác cát lậu tại diện tích đất thuộc phạm vi thu hồi thực hiện dự án thuỷ điện, gây “điểm nóng” về hình khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương này thời gian qua.
 
•  NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI, LÊN PHƯƠNG ÁN
 
Trao đổi với Báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Minh An - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà thông tin, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm 2019 tới nay, địa phương đã nhiều đợt phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát nguồn gốc đất tại vùng dự án thuỷ điện đã bị thu hồi.
 
Kết quả kiểm tra, trong tổng số gần 219 ha đất huyện được giao quản lý có trên 140 ha do 176 hộ gia đình, cá nhân sử dụng làm nhà ở, công trình phụ và sản xuất nông nghiệp. Diện tích còn lại khoảng trên 78 ha, gồm: đất đường giao thông (4,5 ha), đất lâm nghiệp đã thu hồi trước đây (8,5 ha), đất sông suối (12 ha), đất hoang cỏ mọc và hố đào đãi sái thiếc khoảng trên 53 ha.
 
Tuy nhiên, theo ông An, vướng mắc ở đây là trên diện tích đất 176 hộ gia đình, cá nhân sử dụng có 52 hộ tiếp tục sử dụng đất đã được bồi thường và không nhận chuyển nhượng thêm diện tích trong khu vực đã bồi thường; 30 hộ tiếp tục sử dụng đất đã được bồi thường và nhận chuyển nhượng thêm diện tích trong khu vực đã bồi thường; 94 hộ nhận chuyển nhượng, tặng, cho từ các hộ đã nhận bồi thường bằng giấy tay trái pháp luật, không có xác nhận của chính quyền địa phương. 
 
Trường hợp nếu thu hồi tiền bồi thường và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đã nhận chuyển nhượng, tặng, cho trái phép, không đúng quy định pháp luật sẽ có nguy cơ lớn phát sinh tranh chấp khi người bị thu hồi đất trước đây quay lại đòi hỏi quyền lợi.
 
Liên quan tới phương án xác định các khoản tiền thu hồi và đơn giá, sau khi nhận tiền, đa số các hộ đã bàn giao mặt bằng và đến nơi khác để ổn định cuộc sống. Do vậy, việc thu hồi lại số tiền bồi thường tài sản trên đất và các khoản hỗ trợ để ổn định đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
Bên cạnh đó, tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường thì đơn giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm (hạng 4) là 4.500 đồng/m2, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm (hạng 4) là 4.000 đồng/m2. Hiện nay, đơn giá đất trồng cây lâu năm tại vị trí đất này là 29.000 đồng/m2, giá đất trồng cây hàng năm tại vị trí đất này là 23.000 đồng/m2. Mặt khác, năm 2018 các hộ có đất thu hồi yêu cầu UBND huyện chi trả khoản tiền chậm chi trả từ năm 2010 nên UBND huyện đã ban hành quyết định phê duyệt số tiền chậm chi trả cho 50 hộ gia đình, cá nhân được UBND huyện Lâm Hà phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung. Chính vì vậy, khi thu hồi tiền theo đơn giá tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường sẽ không đảm bảo sự công bằng cho những người trước đây đã chấp hành chủ trương thu hồi đất, bàn giao mặt bằng để thi công dự án và gây thất thu ngân sách của Nhà nước.
 
Về việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND huyện Lâm Hà cho biết, theo quy hoạch sử dụng đất thì khu vực đất này thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp nên khi thực hiện việc cấp lại theo loại đất trước đây đã thu hồi và theo hiện trạng sử dụng đất cho các hộ sẽ không phù với quy hoạch sử dụng đất.
 
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND huyện Lâm Hà đã báo cáo tình hình vụ việc lên UBND tỉnh, cũng như đề xuất cụ thể các vấn đề liên quan tới mong muốn của người dân xung quanh dự án thuỷ điện Sardeung. Lãnh đạo huyện Lâm Hà cho biết, đây là sự việc chưa có tiền lệ, quá trình triển khai kiểm tra các hộ dân mua bán, sang nhượng đất đã thu hồi, đền bù nên nảy sinh các vấn đề liên quan tới Luật Đất đai, quy định pháp luật. Hiện nay, các sở, ngành liên quan, UBND huyện Lâm Hà vẫn đang tiếp tục kiểm tra các phương án, rà soát các nội dung phát sinh cũng như tiến hành họp hội đồng tư vấn pháp luật của tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét thống nhất hướng xử lý cụ thể.                
 
CHÍNH THÀNH