Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em

06:04, 13/04/2022
Trong các tháng đầu năm 2022, công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, trong đó có tai nạn đuối nước cho trẻ em nói riêng mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng đã được các cấp chính quyền tỉnh Lâm Đồng quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả.
 
Hằng năm, huyện Di Linh đều mở các lớp bơi phòng, chống tai nạn đuối nước cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn
Hằng năm, huyện Di Linh đều mở các lớp bơi phòng, chống tai nạn đuối nước cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn
 
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ đầu năm tới nay theo báo cáo có 4 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Vụ việc thương tâm nhất xảy ra vào trưa 25/1, tại thác 11 tầng Suối Cát nằm tại khu vực giáp ranh giữa xã Đại Lào, TP Bảo Lộc và xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm làm 2 em học sinh không biết bơi bị nhấn chìm và tử vong sau đó ít phút. Gần đây nhất trong tháng 2, tại địa bàn xã Lát (huyện Lạc Dương) và xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà) cũng xảy ra 2 vụ tử vong do đuối nước mà nạn nhân đều là trẻ em và học sinh cấp tiểu học.
 
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Di Linh, tình hình tai nạn thương tích trẻ em tại địa phương tuy có giảm về số vụ nhưng số trẻ em tử vong vẫn còn xảy ra. Vào đợt nghỉ dịch COVID-19, đợt nghỉ hè học sinh không phải đến trường, nhu cầu vui chơi giải trí cao, đặc biệt là bơi lội..., do đó tai nạn thương tích, đuối nước tăng lên. Trong năm 2021, trên địa bàn huyện có 27 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có 19 trẻ bị thương tích do ngã, 5 trẻ bị tai nạn giao thông và 2 trẻ em tử vong do đuối nước.
 
Một trong số những bất cập chính, theo cơ quan chức năng huyện Di Linh, cũng như các huyện trên địa bàn tỉnh, với đặc thù là huyện miền núi có nhiều sông, suối, ao, hồ, thác nước, địa bàn dân cư tập trung thưa thớt nên nguy cơ tiềm ẩn đuối nước ở trẻ còn cao. Trong khi đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em ở nhiều nơi chưa được chú trọng, nhất là học sinh tại vùng sâu và vùng nông thôn. Hiện, theo thống kê, trên địa bàn có 5 hồ thủy điện, 38 hồ thủy lợi và 6.238 ao, hồ; trong đó 3.668 ao, hồ nhỏ, do Nhân dân tự đào chưa có cảnh báo, rào chắn và nhiều sông, suối nên việc đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em còn gặp nhiều khó khăn.
 
Để tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè, ngay từ đầu năm 2022, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn do đuối nước. Lồng ghép các nội dung chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong các buổi họp thôn, sinh hoạt hè. Đồng thời, cải tạo môi trường sống an toàn, loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
 
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, tháng 12/2021, UBND tỉnh đã triển khai chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu rất cụ thể như: 100% các huyện, thành phố triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em; phấn đấu từ 70% trẻ em 6 đến 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 80% vào năm 2030; giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% năm 2030 so với năm 2020.
 
Để triển khai chương trình nêu trên, trong năm 2022, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương với nhiều hình thức phù hợp trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, một trong những khó khăn hiện nay qua rà soát địa bàn tỉnh có trên 12.000 ao, hồ không có rào chắn hoặc biển cảnh báo nguy hiểm (nguy cơ mất an toàn). Qua kiểm tra, giám sát, hầu hết nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em nói riêng còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
 
Để hoạt động phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em đi vào chiều sâu, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vận động xã hội xây dựng, phát triển hệ thống bể bơi thông minh, bể bơi tự tạo để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt, tại các địa phương, địa bàn xảy ra các vụ việc tai nạn thương tích nghiêm trọng. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở…
 
THÂN THU HIỀN