Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình anh Cil Ja Ry - Thôn Đạ Nghịt 1 (xã Lát, huyện Lạc Dương) đã vươn lên thoát nghèo. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Ja Ry còn giúp đỡ bà con trong thôn về kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi. Gia đình anh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021.
|
Không những nỗ lực phát triển kinh tế, anh Cil Ja Ry còn tích cực hỗ trợ bà con trong thôn về con giống và kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi |
Hẹn mãi chúng tôi mới gặp được anh Cil Ja Ry, bởi lúc thì anh đi làm ngoài vườn rau, khi thì chăm đàn bò mới sinh thêm mấy con bê, có khi lại đến nhà người dân trong thôn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê…
Đến nhà một người dân ở cuối thôn để bàn giao và hướng dẫn cách chăm sóc hai con bê, quá trưa, anh Ja Ry mới trở về. Anh kể câu chuyện thoát nghèo của gia đình mình: năm nay 40 tuổi, gia đình anh vừa thoát nghèo cách đây mấy năm. Sinh ra và lớn lên ở thôn vùng sâu Đạ Nghịt của xã Lát, anh được cha mẹ cho 0,5 ha để trồng cà phê khi mới lập gia đình. Vợ chồng anh chăm chỉ với mảnh vườn nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, sương muối cũng như tình trạng “được mùa mất giá - được giá mất mùa” nên thu nhập từ cà phê không đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Nhận thấy trồng cà phê giống cũ cho năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh Ja Ry đã đăng ký tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân xã tổ chức về chăm sóc cây trồng và chăn nuôi gia súc. Qua các lớp tập huấn, anh biết được kỹ thuật về sản xuất và chăn nuôi nên bàn với vợ chuyển đổi 0,1 ha cà phê sang trồng rau. Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, nhưng được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông xã, cũng như hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn nên việc sản xuất rau của gia đình anh đến nay đã ổn định và đem lại thu nhập khá.
Khi đã có một ít vốn, anh tiếp tục vay thêm Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 50 triệu đồng và mạnh dạn đầu tư làm chuồng cùng với mua 4 con bò để chăn nuôi. Qua 4 năm thực hiện mô hình sản xuất rau và chăn nuôi bò, đến nay, gia đình anh Ja Ry đã chuyển đổi được 0,2 ha cà phê để trồng rau và phát triển đàn bò lên 12 con bò sinh sản cùng một số bê con. Cùng với đó, anh đã cải tạo, ghép giống cà phê mới cho năng suất cao hơn. Với nguồn thu nhập từ sản xuất rau, cà phê và chăn nuôi bò đã giúp cho gia đình anh từ hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá. Đến nay, gia đình anh đã có đời sống kinh tế ổn định, có điều kiện để chăm lo cho các con ăn học cũng như sửa sang được nhà cửa khang trang.
Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát kinh tế gia đình, anh Ja Ry thường xuyên giúp đỡ cho bà con Nhân dân trong thôn về kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, từ đàn bò sinh sản của gia đình, anh hỗ trợ người dân con giống để chăn nuôi với giá rẻ, hộ nào khó khăn anh cho trả góp dần. Anh cũng tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào của Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương phát động. Hàng năm, gia đình anh đều được công nhận đạt gia đình văn hóa, gia đình học tập. Bản thân anh được Hội Nông dân xã công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. “Với vai trò là hội viên Hội Nông dân xã, tôi đã cùng với các thành viên trong gia đình nỗ lực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từ hộ khó khăn đến nay đã vươn lên thoát nghèo và có đời sống ổn định. Tôi nhận thấy rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là rất phù hợp, đem lại hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi và nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Nhận xét về anh Cil Ja Ry, ông Lê Hữu Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lát cho hay: “Anh Ja Ry là một nông dân người dân tộc thiểu số nhưng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Không những vậy, anh cũng rất tích cực hỗ trợ bà con Nhân dân trong thôn về con giống và kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi. Do đó, hiện trong Thôn Đạ Nghịt 1 nói riêng và trên địa bàn xã Lát nói chung, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả trong sản xuất”.
VIỆT HÀO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin