''Chìa khóa'' để giảm nghèo bền vững

06:05, 11/05/2022
Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh đã tích cực vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ vườn tạp, già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm, đặc biệt là trồng cây ăn trái. Nhờ đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
 
Gia đình ông Đỗ Quang Liêm có thu nhập ổn định nhờ trồng dâu nuôi tằm
Gia đình ông Đỗ Quang Liêm có thu nhập ổn định nhờ trồng dâu nuôi tằm
 
•  TĂNG THU NHẬP ỔN ĐỊNH
 
Trước đây, người dân xã Quốc Oai chủ yếu canh tác các loại cây trồng chính là lúa, mía, bắp và khoai mì... Trong khi cây lúa luôn phát triển ổn định, năng suất tăng dần theo thời gian nhờ cơ giới hóa và đưa các giống lúa mới vào sản xuất thì cây mía lại ngày càng thoái hóa, năng suất thấp, giá mía liên tục sụt giảm khiến đời sống của người dân trồng mía nơi đây gặp nhiều khó khăn. 
 
Nhận thấy cây mía không thể “trụ vững” trên vùng đất này, bắt đầu từ năm 2017, xã Quốc Oai khuyến khích người dân đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn trái, cây dâu tằm vào trồng thay thế cây mía để phát triển kinh tế địa phương. 
 
Tại thôn Hà Lâm, mô hình trồng dâu nuôi tằm được đánh giá là triển vọng. Ông Đỗ Quang Liêm (54 tuổi) là một trong những người đầu tiên trong xã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng mía sang trồng dâu nuôi tằm vào năm 2014. Theo ông Liêm, hơn 1 ha đất vừa trồng dâu vừa nuôi tằm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, chưa trừ chi phí. Trong khi đó, nếu trồng mía thì chỉ thu được khoảng vài chục triệu đồng/vụ nhưng với điều kiện mía đạt sản lượng, được giá, còn như hiện nay thì chỉ huề vốn, chưa tính công. “Trồng dâu nuôi tằm nhàn hơn trồng mía mà thu nhập lại cao, vốn ban đầu bỏ ra cũng ít hơn so với các loại cây trồng khác” - ông Liêm cho hay. 
 
Còn tại thôn Hà Phú, UBND xã Quốc Oai đánh giá là khu vực có diện tích chuyển đổi nhiều nhất so với 5 thôn còn lại. Với đặc thù khí hậu và đất đai phù hợp, người dân thôn Hà Phú phần lớn chuyển đổi từ cây điều già cỗi qua trồng cây ăn trái. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hữu Tân - Trưởng thôn Hà Phú cho biết: Nhận thấy việc chuyển đổi cây trồng sẽ mang lại đời sống kinh tế ổn định cho người dân, bắt đầu từ năm 2017, bà con trong thôn đã học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư vốn để trồng cây ăn trái. Toàn thôn hiện có diện tích đất nông nghiệp là 198 ha, đến nay, đã chuyển đổi được gần 200 ha với các loại cây ăn trái và trồng dâu nuôi tằm.
 
•  ÐỊNH HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
 
Theo số liệu thống kế, năm 2021, toàn xã Quốc Oai có diện tích cây công nghiệp lâu năm là 2.776 ha, tăng 5% so với cùng kỳ; trong đó, cây dâu 268 ha, tăng 1% so với năm 2020, năng suất trung bình 250 tạ/ha, sản lượng đạt 6.700 tấn; cây ăn quả 450 ha, tăng 43% so với năm 2020; cây khác 175 ha, tăng 13% so với năm 2020.
 
Bắt đầu từ năm 2017, Quốc Oai đã đầu tư tập trung vào các cây trồng chủ lực và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích vườn điều, vườn tạp hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi của toàn xã là 721,5 ha. 
 
Công tác khuyến nông, phòng trừ dịch và kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng được tăng cường. Nhờ vậy trong năm qua, không còn tình trạng dịch bệnh xảy ra, năng suất, chất lượng cây trồng từ đó được đảm bảo. 
 
Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong thời gian qua, xã đã tập trung đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm hình thành các vùng chuyên canh có năng  suất và chất lượng cao, nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác nông nghiệp; đồng thời, chú trọng xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết để hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chính vì lẽ đó, cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45,5 triệu đồng/người/năm.
 
“Thực tế cho thấy việc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như dâu tằm, đặc biệt là cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Những loại cây này ít vấp phải tình trạng “được mùa mất giá” kéo dài. Tuy nhiên, xã cũng có những khuyến cáo cho bà con, không nên chuyển đổi một cách đột ngột nếu như quỹ đất sản xuất của mình hạn chế. Trong thời gian tới, xã Quốc Oai tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu và chăm sóc cây trồng; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, hình thành vùng sản xuất chuyên canh áp dụng khoa học công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm; qua đó phát huy tối đa lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp” - ông Trọng nhấn mạnh.
 
THÂN THU HIỀN