Cựu chiến binh Di Linh cùng nhau phát triển kinh tế

05:05, 27/05/2022
Vượt qua những khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thời gian qua, các cựu chiến binh (CCB) Di Linh đã đạt được nhiều bước tiến trong mặt trận kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình cũng như hỗ trợ đồng đội thoát nghèo, cải thiện đời sống và phát triển sản xuất. 
 
Hội CCB huyện tham quan mô hình sản xuất giỏi của hội viên
Hội CCB huyện tham quan mô hình sản xuất giỏi của hội viên
 
Hưởng ứng phong trào “Phát triển kinh tế giảm nghèo nhanh, bền vững” của Hội CCB tỉnh, Hội CCB huyện Di Linh đã tổ chức nhiều mô hình, hoạt động để giúp các thành viên phát triển sản xuất, chăn nuôi và nâng cao thu nhập. Theo đó, Hội CCB huyện đã vận động thành lập câu lạc bộ (CLB) CCB làm kinh tế huyện với 7 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và nhiều CLB để vừa tổ chức sản xuất, vừa giúp đỡ nhau. Nhằm tạo bầu không khí hăng say sản xuất, thi đua phát triển và sáng tạo, ngoài các hoạt động sinh hoạt CLB định kỳ, “Hội liên tục phổ biến các tin, bài, hình ảnh, điển hình tiên tiến trên trang thông tin điện tử, nhóm zalo CLB Doanh nhân CCB và nhiều hội, nhóm mạng xã hội khác” - ông Bùi Viết Quang, Phó Chủ tịch Hội CCB Di Linh cho biết.
 
Để hiện thực hóa các phong trào thi đua thành các mô hình, sản phẩm cụ thể, Hội phối hợp Trung tâm Khuyến nông, Liên minh HTX tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng chuyên môn cho thành viên. Nội dung tập huấn tập trung chuyên sâu vào các phương pháp chuyển đổi cây trồng, ghép tái cành cây cà phê, chăm sóc vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, hoa. Nhờ những hoạt động cụ thể này, mà nhiều CCB làm chủ được kỹ thuật sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm. Các mô hình phát triển kinh doanh không những đạt hiệu quả cao, đóng góp cho ngân sách địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn. Ngoài ra, các CCB làm kinh tế giỏi còn nhiệt tình hỗ trợ, phổ biến kỹ thuật sản xuất cho hội viên và mọi người xung quanh góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. 
 
Nhờ đặc điểm đất đỏ màu mỡ, phì nhiêu và khí hậu mát mẻ quanh năm, Di Linh có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; nhất là các loại cây lâu năm như cà phê, mắc ca, hồ tiêu... Nhiều CCB đã bám chặt những ưu thế này để phát triển sản xuất, kinh doanh. “Trong số gần 400 đơn vị sản xuất kinh doanh của CCB trên địa bàn huyện có đến hơn 300 trang trại sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của các hộ gia đình” - ông Quang nói. Số ít còn lại thuộc các ngành nghề thủ công mỹ nghệ và dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu bản địa.
 
Từ những nỗ lực phấn đấu và sáng tạo, nhiều CCB trên địa bàn huyện đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng trí tuệ và công sức của mình. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, toàn huyện có tới hơn 360 hội viên CCB đạt danh hiệu “Hội viên CCB sản xuất kinh doanh giỏi”. Trong đó, có nhiều hội viên đặc biệt xuất sắc, được tỉnh, Trung ương ghi nhận. Tiêu biểu như CCB Đặng Văn Sửu (thị trấn Di Linh) không những thành công với việc canh tác cây cà phê, mà còn nhạy bén với các xu thế tiêu dùng và thành công với ngành Trang trí nội thất. Ngoài ra, còn có thể kể đến các CCB khác như Lê Trọng Đoàn (thị trấn Di Linh), Lê Xuân Trường (Đinh Lạc), Tạ Hữu Bằng (Hòa Nam),... với đa dạng các mô hình sản xuất kinh doanh khác nhau từ canh tác cây cà phê, bơ, mắc ca hữu cơ, rau công nghệ cao... cho đến cung cấp giống, cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Đặc biệt, CCB Phạm Quốc Việt (Tân Nghĩa) đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân Chương Lao động hạng Ba nhờ sự không ngừng sáng tạo và kiên trì để tạo ra những loại cây cảnh, cây trang trí độc đáo, có giá trị trong thời gian qua. 
 
Thành công trong việc tạo lập thương hiệu và nguồn thu nhập bền vững cho bản thân và gia đình, những người lính năm xưa vẫn không quên đồng đội. Thông qua các chương trình Xóa nhà tạm, mô hình Câu lạc bộ giúp nhau giảm nghèo, mô hình Góp vốn xoay vòng, Hỗ trợ tìm việc làm… các hội viên CCB đã liên tục hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên khác thoát nghèo và phát triển sản xuất. Đặc biệt, với các CCB cần hỗ trợ nhà ở, “Hội đã chi 47 triệu đồng để xây nhà cho 7 gia đình” - ông Quang cho biết. Các CCB bị bệnh hiểm nghèo cũng được Hội và đồng đội giúp đỡ kịp thời. Tuy nhiên, để thoát nghèo bền vững, tạo dựng thu nhập ổn định, mô hình 5+1 (5 hội viên khá, giàu giúp 1 hội viên thoát nghèo) cũng được các thành viên Hội hưởng ứng sôi nổi. Nhờ đó, theo ông Quang, “tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh; cuối năm 2021 cả 19/19 xã trên địa bàn không còn hộ CCB nghèo; chỉ còn 18 hộ cận nghèo”.
 
Thời gian tới, ngoài việc giữ vững các kết quả đã đạt được, các hội viên CCB, CLB làm kinh tế huyện, các HTX… sẽ tăng cường liên kết, hợp tác để hỗ trợ và tăng sức cạnh tranh. Quan trọng là “tập trung phấn đấu không để hội viên tái nghèo hay phát sinh nhà tạm, nhà dột nát; nâng cao hiệu quả và minh bạch các nguồn quỹ, vốn; tăng cường hỗ trợ các hội viên khó khăn cây giống, kỹ thuật sản xuất và nguồn vốn phát triển sản xuất” - ông Quang nhấn mạnh. 
 
NHẬT QUỲNH