Thí điểm mô hình “Tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân" sau khi chấp hành xong án phạt là một nhu cầu cần thiết, đòi hỏi có sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, mở ra cơ hội cho các phạm nhân có được nghề nghiệp, việc làm phù hợp tại địa phương nơi mình sinh sống, góp phần giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, sớm hoàn lương.
|
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo thăm hỏi, động viên các học viên đang thực hiện cải tạo tại Trại giam Đại Bình |
Thực hiện Luật Thi hành án hình sự, Nghị định 133/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, Trại giam Đại Bình đã xây dựng kế hoạch tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, định mức được giao với việc bố trí cơ cấu phạm nhân lao động vào 11 ngành nghề như: trồng dâu, nuôi tằm, trồng cà phê, rau xanh, đan, may công nghiệp, mộc, cơ khí, chế biến trái cây… Hàng năm, đơn vị đã kết hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của huyện Bảo Lâm, tổ chức dạy và cấp bằng sơ cấp nghề cho phạm nhân.
Kết quả từ 2016 đến nay đã mở 26 lớp với trên 1.000 phạm nhân được cấp chứng chỉ nghề như may công nghiệp, xây dựng, cơ khí, mộc…; đồng thời, thực hiện truyền nghề cho khoảng 7.799 lượt phạm nhân.
Ngoài ra, Trại giam Đại Bình đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và huyện Bảo Lâm, tổ chức các hoạt động thiết thực, các hội thi, hội thao, nhằm bổ sung thêm kiến thức pháp luật cho phạm nhân. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền được tổ chức, phổ biến thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm nghĩa vụ dân sự. Qua đó, tích cực chấp hành quy định, khắc phục mọi lầm lỡ và được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm được trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho biết: Việc lao động là phạm nhân được dạy nghề, học nghề là nhu cầu cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho họ tìm kiếm việc làm phù hợp, phục vụ tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, sau khi chấp hành xong án phạt tù, hạn chế tái phạm sai lầm. Mặt khác, việc tổ chức dạy nghề, học nghề cho phạm nhân còn có tác dụng hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý giam giữ tại các trại giam. Qua đó, các phạm nhân được rèn luyện ý thức, tình cảm, thói quen lao động, tính cộng đồng, hợp tác, ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, gia đình và xã hội được nâng lên.
Trại giam Đại Bình đóng chân trên địa bàn xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm với quy mô 2 phân trại, hiện đang giam giữ, quản lý gần 1.700 phạm nhân. Diện tích đất an ninh quốc phòng được Nhà nước giao để phục vụ quản lý là 118 ha. Trại có tổng số 217 cán bộ, chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ tại đây. Từ khi thành lập năm 1975 đến nay, đơn vị đã giáo dục, cảm hóa hàng chục ngàn đối tượng, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, an toàn trật tự xã hội.
Theo đại diện Trại giam Đại Bình: hiện nay, đơn vị chưa có hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. Đơn vị nhận thấy hoạt động mô hình điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam có hiệu quả về đầu tư, môi trường lao động, không làm tăng chi phí, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Mặt khác, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống cho phạm nhân và tăng giá trị đầu tư trở lại phục vụ xây dựng cơ sở vật chất trại giam, bố trí trang thiết bị lao động cũng như giám sát, đáp ứng yêu cầu nơi giam giữ. Vị trí xây dựng tách biệt với khu dân cư, đảm bảo môi trường lao động và chế độ ăn uống. Đơn vị kiến nghị Đoàn ĐBQH, Quốc hội xem xét, quan tâm và định hướng tới vấn đề này.
Từ thực tiễn cho thấy, việc tổ chức lao động dạy nghề có hiệu quả, nếu có phương án tổ chức chặt chẽ sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ công tác quản lý, giáo dục phạm nhân ngày càng tốt hơn. Nội dung này cho thấy chính sách nhân văn của Nhà nước và tạo cơ hội cho phạm nhân cải tạo tốt hơn, học nghề chính đáng và có việc làm, thu nhập ổn định sau khi hết thời hạn tại trại giam.
Được biết, Đoàn ĐBQH sau giám sát tại Trại giam Đại Bình đã cơ bản thống nhất chủ trương thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam để các trại giam có diện tích đất không nhiều có thể mở rộng ra bên ngoài, tạo việc làm, dạy nghề cho phạm nhân. Mặt khác, Đoàn nhận thấy và sẽ kiến nghị Quốc hội, bộ, ngành Trung ương về việc thí điểm mô hình này, giúp tăng thêm biên chế cho ngành kiểm sát, cũng như phương tiện, trang thiết bị; qua đó sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân.
NGUYỆT THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin