Đổi rác thải thành bảo hiểm y tế

05:05, 12/05/2022
Thông qua Mô hình “Thu gom phế liệu, tặng bảo hiểm y tế”, các cấp Hội Phụ nữ huyện Di Linh đã giúp cho nhiều chị em khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện khám và chữa bệnh khi cần thiết. Mặc dù chỉ mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng, mô hình đã khẳng định được tính nhân văn cũng như góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. 
 
Chị em phụ nữ hào hứng tham gia gom phế liệu, tiết kiệm tặng bảo hiểm y tế
Chị em phụ nữ hào hứng tham gia gom phế liệu, tiết kiệm tặng bảo hiểm y tế
 
Nhận thông báo từ nhóm zalo “Thu gom phế liệu, tặng bảo hiểm y tế”, một sáng ngày Chủ nhật, các chị em thuộc Chi hội Phụ nữ thôn K’Brạ (xã Tân Nghĩa) lại í ới nhau mang phế liệu đến điểm tập kết. Người mang bịch, người mang túi đựng chai nhựa, vỏ lon... cứ thế mà cùng nhau vui vẻ tới nhà chị Phan Thị Thanh Tâm - Tổ trưởng Tổ 1, Chi hội Phụ nữ thôn - để tập kết phế liệu. Ở nhà, chị Tâm cũng nhanh chóng ra góc vườn để lấy bao tải đựng vỏ chai của gia đình để dành bấy lâu, mang ra trước sân để chị em cùng nhau phân loại.
 
Tay liền tay nhặt từng cái chai, cái lọ cho vào bao tải, chị Tâm hào hứng tiếp chuyện: “Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán phế liệu, sẽ được tổ góp quỹ để mua bảo hiểm y tế tặng cho các chị em phụ nữ nghèo, bệnh tật, giúp họ có thêm điều kiện để khám, chữa bệnh khi ốm đau, giảm thiểu chi phí điều trị”. Ngoài ra, cứ hai tháng một lần, 28 thành viên tham gia mô hình đi đến các điểm trên địa bàn thôn, xã để vận động, thu gom thêm rác thải nhựa từ các gia đình khác bởi “càng có thêm nhiều phế liệu thì càng có thêm hội viên được giúp đỡ” - chị Tâm nói.
 
Tiếp lời, chị Lê Thị Thu Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Nghĩa chia sẻ, sau khi nắm được thông tin Mô hình “Thu gom phế liệu, tặng bảo hiểm y tế” của Hội Phụ nữ huyện, Hội Phụ nữ xã đã chọn thôn K’Brạ làm điểm. Trước đây, Thôn K’Brạ thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; từ năm 2022 - khi thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn - thì chính sách này cũng ngừng. Do vậy, “Mô hình này được triển khai kịp thời để hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các gia đình khó khăn trong vùng” - chị Huyền cho hay. 
 
Kể từ ngày phát động mô hình - cuối tháng 12/2021 - chị em Hội Phụ nữ thôn K’Brạ luôn nhiệt tình hưởng ứng và hoạt động sôi nổi. Chỉ sau 5 tháng, Chi hội Phụ nữ thôn đã thu về được gần 3 triệu đồng từ tiền bán phế liệu và tặng 4 thẻ bảo hiểm y tế cho những hội viên khó khăn. “Được chị em phụ nữ quan tâm, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, tôi rất xúc động, nhờ có thẻ, gia đình cũng giảm được một phần chi phí mỗi khi khám bệnh” - chị Lê Thị Kim Phường (49 tuổi, thôn K’Brạ) - hội viên mắc bệnh hiểm nghèo thuộc diện khó khăn được Chi hội Phụ nữ thôn tặng bảo hiểm y tế - xúc động nói.
 
Đặc biệt, theo chị Huyền, từ khi triển khai mô hình này, tinh thần đoàn kết cũng như ý thức bảo vệ môi trường của bà con cũng được cải thiện rõ. “Trước kia, bà con thường hay vứt rác lung tung ở vườn hoặc ngoài đường hay bán phế liệu, từ ngày triển khai mô hình, bà con thường để dành vỏ chai nhựa đã qua sử dụng đợi khi có thông báo thì mang đến điểm tập kết” - chị Huyền nói. Việc làm này không những giúp được cho nhiều gia đình nghèo mà còn giúp môi trường được sạch đẹp từ trong nhà đến ngõ xóm, đường làng. Hơn hết, chị em đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống gia đình cũng như chung tay xây dựng, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
 
Tương tự K’Brạ, hai thôn đồng bào dân tộc thiểu số Gia Bắc 1 và Đồng Đò trước đây cũng được hỗ trợ bảo hiểm y tế miễn phí. Tuy nhiên, từ năm nay, do thoát khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cũng đã tạm ngưng. Do vậy, Hội Phụ nữ xã sẽ nhân rộng mô hình sang các thôn này để kịp thời hỗ trợ cho các chị em phụ nữ khó khăn. Đồng thời, giúp địa phương hoàn thành tiêu chí bảo hiểm y tế trong xây dựng nông thôn mới.
 
Nhận định về tính thiết thực và hiệu quả của mô hình “Thu gom phế liệu, tặng bảo hiểm y tế”, chị Hà Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Di Linh cho biết, sau gần 2 năm triển khai, mô hình đã khẳng định được ý nghĩa của mình, chị em phụ nữ vừa giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, vừa góp sức bảo vệ môi trường. 
 
Tính đến thời điểm hiện tại, sau khi thành công thí điểm tại thị trấn Di Linh, mô hình đã được Hội Phụ nữ huyện nhân rộng sang nhiều xã khác, với 16 tổ thu gom phế liệu, thu hút hơn 1.800 hội viên tham gia. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các tổ đã hỗ trợ 125 thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên có mức thu nhập trung bình, có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên ốm đau.
 
Tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương và nhu cầu thực tế của hội viên, Hội Phụ nữ các cơ sở sẽ có hình thức hỗ trợ khác nhau, “không chỉ riêng bảo hiểm y tế, có đơn vị sẽ dùng tiền bán phế liệu để mua quần áo, sách vở cho học sinh nghèo; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế...” - chị Linh nói. 
 
Có thể thấy, mặc dù dưới hình thức nào thì hoạt động này cũng đã thể hiện được tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau của hội viên phụ nữ. Và để có thêm nhiều chị em phụ nữ khó khăn được giúp đỡ trong thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện sẽ tiếp tục nhân rộng hoạt động bán phế liệu gây quỹ sang nhiều xã khác trên địa bàn huyện; đồng thời, Hội cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động để có thêm nhiều “cánh tay” chung sức xây dựng đời sống phụ nữ thêm tốt đẹp hơn.
 
NHẬT QUỲNH