Ngày Môi trường thế giới 5/6 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động, được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
|
Ra quân thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng tại huyện Đạ Tẻh |
Trong năm 2022 này, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới là “Chỉ một Trái đất” với thông điệp nhằm truyền tải ý nghĩa cùng chung tay xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Như UNEP kêu gọi, đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất.
Nhằm tổ chức các hoạt động có ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả Ngày Môi trường thế giới 5/6 sắp đến cũng như Tháng Hành động vì môi trường và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, các chủ rừng trong tỉnh nhằm vận động tổ chức các hoạt động hướng đến Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay. Qua đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để tổ chức các hoạt động hưởng ứng.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị có thể treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình phục vụ công tác bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng và các hoạt động phát triển theo hướng bền vững.
Cùng đó, chú ý tăng cường tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó, thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng lộ trình trong việc thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và thân thiện môi trường; xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, nhiệm vụ, đề án, dự án bảo vệ môi trường; đẩy mạnh truyền thông không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích sản xuất, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
Ngành chức năng tỉnh cũng vận động các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thuộc phạm vi quản lý; trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả; ứng dụng nền tảng công nghệ số để đa dạng các hình thức truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo chí, trang tin điện tử, mạng xã hội, fanpage…
Chủ động phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong dịp này, các đơn vị, địa phương cũng cần tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, không sử dụng đồ nhựa một lần.
Đặc biệt, cần lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo; quản lý và sử dụng tài nguyên đất, nhất là các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư
Nhiều mục tiêu về đa dạng sinh học Lâm Đồng lâu nay cũng đang hướng đến như xây dựng và phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gìn giữ các tri thức truyền thống, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa; xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, số hóa quản lý di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái; thiết lập, củng cố hệ thống thông tin về đa dạng sinh học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với địa phương, từng vùng di sản thiên nhiên, xây dựng và triển khai dự án chuyển đổi số, tăng cường năng lực, tăng cường hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, công cụ và thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo, xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học.
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin