Nhiều doanh nghiệp cùng người dân đang đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất mắc ca hữu cơ chất lượng cao từ khâu cây giống đến quy trình thu hoạch, chế biến, bảo quản nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như xuất khẩu đi các thị trường khó tính.
|
Công nhân Công ty Hoàng Anh Maca chế biến nhân mắc ca xuất khẩu |
Là một trong những công ty có định hướng phát triển trồng, chế biến cây mắc ca hữu cơ từ rất sớm, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca hiện đang liên kết với 100 hộ dân trên địa bàn huyện Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng với diện tích khoảng 300 hecta. Tính ra mỗi năm, công ty này thu mua từ các hộ liên kết trên 1.000 tấn tươi, chế biến gần 700 tấn thành phẩm. Trong đó, có khoảng 20 hecta liên kết đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; diện tích còn lại theo chuẩn VietGAP với sản phẩm thương hiệu Themacanut đạt chứng nhận OCOP từ 3 tới 5 sao. Hầu hết các hộ dân tham gia chuỗi liên kết với Hoàng Anh Maca được triển khai theo dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với mục tiêu người dân có giống trồng chuẩn của Bộ Nông nghiệp, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiệu quả và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người nông dân.
Chúng tôi tới thăm vườn mắc ca trồng thuần rộng 30 hecta tại xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương) của Công ty TNHH Hoàng Anh Maca, chúng tôi tình cờ gặp một nhóm chuyên gia tới từ thị trường Mỹ đang thăm vườn mắc ca tại các lô có cây đã cho thu hoạch từ 2 tới 3 năm. Bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Giám đốc công ty cho biết“Trước khi thu mua sản phẩm, họ cử người tới tận vườn mắc ca để lấy các mẫu đất, nước, lá, trái,…mang về phân tích. Yêu cầu của các bạn hàng lớn chính là vùng nguyên liệu phải đảm bảo ngay từ khâu giống cho tới khâu thu hoạch, sơ chế. Nếu đáp ứng được chất lượng, quy trình chăm sóc thì việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá thành cũng như quy mô thu mua sẽ rất tiềm năng”.
Theo bà Huyền, thuận lợi đối với mắc ca liên kết với người dân là chất lượng hạt theo đánh giá ban đầu của phía đối tác đạt yêu cầu, thậm chí còn hơn một số sản phẩm mắc ca tới từ các nước khác trên thế giới nhưng hạn chế là vùng nguyên liệu hữu cơ với số lượng sản phẩm cung ứng xuất khẩu theo đơn hàng còn khiêm tốn. Trong hoạt động xuất khẩu, Hoàng Anh Maca các năm qua đã xuất khẩu chính ngạch khoảng 22 tấn mắc ca sấy lạnh sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), hơn 20 tấn/năm xuất khẩu tiểu ngạch sang các nước Nga, Đông Âu và 20 tấn mắc ca sấy lạnh thương hiệu The Macanut sang thị trường Canada và hiện có thêm thị trường Mỹ đang trong quá trình xúc tiến.
Tương tự như Hoàng Anh Maca, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang hướng tới liên kết với người dân để sản xuất mắc ca hữu cơ bền vững. Như tại huyện Di Linh thời gian qua, Công ty Mắc ca Việt (xã Hòa Trung) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng phát triển mô hình mắc ca hữu cơ trên diện tích 5 hecta.
Ngoài trồng 5 hecta hữu cơ, để mở rộng thị trường, công ty này cũng liên kết với hàng chục hộ dân khác xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 20 hecta. Quá trình sản xuất mắc ca hữu cơ, công ty hướng dẫn người dân thực hiện bài bản và nghiêm ngặt. Tại đây, các vườn cây được tạo vùng đệm rộng lớn với khu vực dân cư, khu vực sản xuất thông thường của người dân. Để tiết kiệm chi phí, người dân cũng thực hiện phương pháp tự ủ phân bón bằng các phụ phẩm nông nghiệp. Các vườn mắc ca được duy trì cỏ để giữ độ ẩm cho đất, tạo hệ vi sinh vật giúp cây phát triển.
Ông Lưu Quốc Chính, Giám đốc Công ty Mắc ca Việt cho biết, với việc liên kết sản xuất mắc ca theo hướng hữu cơ, bền vững dự tính tới năm 2023, công ty sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn sản phẩm mắc ca hữu cơ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, địa bàn tỉnh năm 2021 có 5.160 hecta mắc ca. Trong đó, đa phần là diện tích trồng xen trong vườn cà phê, chè. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, cây mắc ca cho thu hoạch quả với năng suất lên đến 20 - 30 kg hạt/cây, sản lượng quả khô của Lâm Đồng đạt 2.204 tấn. Địa phương hiện có khoảng 31 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến mắc ca với tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu đạt 1.842 tấn quả, hạt/năm. Khối lượng sản phẩm chế biến mắc ca đa dạng đang được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, sân bay, cửa hàng tiện lợi trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Úc…
Hướng tới làm du lịch canh nông với cây mắc ca
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Hoàng Anh Maca chia sẻ, thời gian sắp tới, tại vườn mắc ca rộng 30 ha tại xã Ka Đơn, ông sẽ tiến hành triển khai các hạng mục đón du khách vào trang trại tham quan, trải nghiệm tất cả các khâu từ trồng cây giống tới thu hoạch, chế biến,... theo hướng du lịch canh nông. Đây là loại hình du lịch không mới nhưng khá mới mẻ với cây mắc ca. Việc này theo ông Hoàng Anh vừa góp phần giúp công ty đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hút cho du lịch, vừa quảng bá các sản phẩm từ hạt mắc ca và tăng thu nhập cho công ty.
|
C.THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin