Phụ nữ Đạ Lây khởi nghiệp từ những món ăn quê hương

05:05, 10/05/2022
Từ các món ăn của quê hương xứ Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh đã khởi nghiệp thành công và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho chị em hội viên trên địa bàn.
 
Từ việc sản xuất các loại bánh Huế đã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho hội viên phụ nữ xã Đạ Lây.
Từ việc sản xuất các loại bánh Huế đã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho hội viên phụ nữ xã Đạ Lây.
 
Xã Đạ Lây với đa số người dân gốc Huế, dù sống trên quê hương mới nhưng nhiều người vẫn giữ được phong tục, tập quán và nhất là nét ẩm thực đặc trưng của vùng đất cố đô. Từ các món bánh như bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh khoái, bánh đúc... hay chả Huế đều mang hương vị riêng, dân dã nhưng khiến ai đã ăn một lần thì nhớ mãi. 
 
Với mong muốn giữ được vị truyền thống của quê nhà, đồng thời, tạo cơ hội khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ từ chính những món ăn quê hương, Hội LHPN xã Đạ Lây đã tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp năm 2020” do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức với Dự án Tổ hợp tác chả Huế Hương Vân và Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp năm 2021” với Dự án Xây dựng nhà hàng bánh Huế mang tên “Rất Huế”. Kết quả, hai dự án của Hội LHPN xã Đạ Lây đều đạt giải Ba và đã triển khai hiệu quả trong thực tế.
 
Chị Nguyễn Thị Lợi - Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Lây cho hay: “Với đa số hội viên phụ nữ trong xã là người gốc Huế, kinh nghiệm gia truyền từ nhiều đời của ông cha và nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương như thịt heo, bò..., một số hội viên phụ nữ đã bảo tồn món ăn truyền thống, đặc sản của người Huế. Trong đó, các loại bánh và chả Huế là những món ăn đặc trưng, phổ biến. Một số hội viên phụ nữ đã làm bánh và chả để bán, có hiệu quả trong nhiều năm, giải quyết lao động nhàn rỗi. Tuy nhiên, chưa có tổ chức đứng ra để quản lý, điều hành, tìm đầu ra cho sản phẩm, một số hộ dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất khép kín. Vì vậy, việc tập hợp hội viên thành lập các tổ hợp tác sẽ giúp hội viên phụ nữ tiết kiệm chi phí, tạo thương hiệu cho món bánh và chả Huế”.
 
Dựa vào những lợi thế ban đầu khi món bánh và chả Huế đã được một số hội viên phụ nữ làm hiệu quả, chị Lợi - tác giả hai dự án bắt đầu nghiên cứu phương án sản xuất chuyên nghiệp, bài bản hơn. Với mong muốn quảng bá các món ăn truyền thống của quê hương, Hội LHPN xã Đạ Lây đã thành lập Tổ hợp tác Sản xuất bánh Huế và Tổ hợp tác Chả Huế để tạo sự liên kết trong hội viên phụ nữ nhằm xây dựng thương hiệu của địa phương. Tổ hợp tác Sản xuất bánh Huế và Tổ hợp tác Chả Huế không chỉ mang lại việc làm, thu nhập cho các hội thành viên trong tổ mà còn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Sản phẩm bánh và chả Huế của tổ hợp tác hiện không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn huyện Đạ Tẻh và các địa phương trong tỉnh mà còn vươn ra một số tỉnh lân cận. Các loại bánh và chả Huế của hai tổ hợp tác đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận sản phẩm OCOP.
 
Chị Lợi cho biết, so với việc kinh doanh khác, kinh doanh bánh và chả Huế không đòi hỏi phải có vốn lớn, các chi phí về nhân công hay địa điểm kinh doanh có thể tận dụng từ gia đình. Bên cạnh đó, thời gian thu vốn nhanh chỉ từ 3-7 ngày sau khi sản xuất, điều này có nghĩa rủi ro về vốn khi đầu tư sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Trong hai năm qua, khi dịch COVID-19 bùng phát, đơn hàng của hai tổ hợp tác có giảm nhưng vẫn duy trì ổn định. Hiện nay, từ hai dự án bánh và chả Huế tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, mỗi hộ hội viên phụ nữ trong tổ thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Xã Đạ Lây hiện có 20 hộ làm bánh, gần 10 hộ làm chả với gần 100 lao động thường xuyên, trong đó, có 80 lao động nữ được giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định. 
 
“Các loại bánh và chả Huế là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, có thể tiêu thụ được nhiều nơi khác nhau. Chính vì có môi trường thuận lợi như vậy nên việc tiêu thụ sản phẩm không quá khó khăn, chỉ cần tìm những nơi đông dân cư là có thể làm được. Hơn nữa, với nguồn nguyên liệu có sẵn và nguồn nhân lực dồi dào tại địa phương thì việc sản xuất các sản phẩm tương đối thuận lợi. Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho khởi nghiệp và kinh doanh, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh khâu quảng bá thương hiệu, tìm kiếm nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm, nhất là kênh bán hàng online... nhằm tạo việc làm, huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong xã để giúp nhau khởi nghiệp, giúp cho chị em nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”, chị Lợi chia sẻ. 
 
VIỆT HÙNG