Tiến trình đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu

06:05, 06/05/2022
Huyện Di Linh đang đẩy nhanh tiến trình hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn năm 2021 - 2025 với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hướng đến năm 2030 đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, hiệu quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao”. 
 
Các loại nông sản được xếp hạng OCOP đang tạo ra thế mạnh cạnh tranh của huyện Di Linh
Các loại nông sản được xếp hạng OCOP đang tạo ra thế mạnh cạnh tranh của huyện Di Linh
 
•  MỞ RỘNG SẢN XUẤT CÁC LOẠI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH
 
Cụ thể, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2022, lũy kế toàn huyện Di Linh có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Và lũy kế trong cùng thời gian này, toàn huyện Di Linh có 42 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Tương tự đến năm 2023, toàn huyện đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu từ 2 xã, 52 thôn tăng lên 4 xã, 62 thôn vào năm 2024 và 5 xã, 72 thôn vào năm 2025. Định hướng đến năm 2030, tiếp tục lũy kế toàn huyện Di Linh có 16/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, đạt 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, lũy kế có 116/160 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. 
 
Được biết, nhóm giải pháp trọng tâm xây dựng huyện Di Linh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về “nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, hiệu quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao” đến năm 2030 là tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mới hiệu quả, nâng cao thu nhập, đồng thời tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh như cà phê, cây ăn trái, cây dược liệu; các sản phẩm chăn nuôi giá trị cao như bò sữa, bò thịt, heo, gia cầm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Ở khâu đầu ra đáp ứng và theo nhu cầu của thị trường, huyện Di Linh triển khai các nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất chuyển từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát theo phương thức truyền thống sang tư duy sản xuất theo mô hình hợp tác liên kết, trong đó, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy nông dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, lấy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác làm nền tảng tiêu thụ để phát triển nông nghiệp bền vững. 
 
Theo UBND huyện Di Linh, tiến trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn cần chú trọng hơn nữa giải pháp “đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, trong đó, hợp tác xã kiểu mới là nòng cốt, là hạt nhân; hợp tác xã thực hiện liên kết các nông hộ cùng sản xuất theo một quy trình thống nhất, cùng mua chung sản phẩm đầu vào và cùng bán chung sản phẩm đầu ra; hợp tác xã phải là mô hình kinh tế hiệu quả, có thu nhập vượt trội so với mô hình kinh tế hộ. 
 
GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
 
Bên cạnh đó, huyện Di Linh tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế trang trại hiệu quả, thực chất và chiều sâu thông qua xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện đồng bộ khép kín từ sản xuất - thu hoạch - sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…”. Và để mời gọi, thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến tham gia đầu tư, liên kết với nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi cung ứng, chế biến và tiêu thụ nông sản của địa phương nói chung, nông sản chiến lược và thế mạnh nói riêng, huyện Di Linh xác định các nhóm giải pháp về nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương. 
 
Đáng kể thêm ở khâu đầu ra nông sản trên địa bàn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, huyện Di Linh tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: tạo thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân được tham gia các hội chợ địa phương, khu vực, đồng thời, xây dựng các kênh thương mại điện tử để quảng bá, tiếp cận và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đối tác trong và ngoài nước. 
 
“Đặc biệt, lồng ghép với các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu huyện Di Linh được xác định và triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, hiệu quả các chính sách về đất đai, tín dụng, như lồng ghép các nguồn vốn phát triển và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, các chính sách an sinh xã hội… Trong đó, tiếp tục đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn Điền, Gia Bắc, Bảo Thuận, Đinh Trang Thượng…”, theo UBND huyện Di Linh.
 
VĂN VIỆT