Đà Lạt đi đầu trong chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh

06:06, 28/06/2022
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) có vai trò quan trọng đối với chuyển đổi số quốc gia. Tuy mới triển khai, nhưng thành phố Đà Lạt đã thực hiện được các nhiệm vụ cơ bản, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị bám sát chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án để đảm bảo tiến độ đề ra. 
 
Thành phố Đà Lạt ngày càng khang trang, hiện đại
Thành phố Đà Lạt ngày càng khang trang, hiện đại
 
Việc triển khai thực hiện Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng trong giai đoạn hiện nay của thành phố Đà Lạt, bởi gắn liền với lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí. Đề án cũng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên rất nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy mà lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các ngành, chính quyền cơ sở đã quán triệt và đặt quyết tâm rất cao để tổ chức triển khai thực hiện. 
 
Để kịp thời triển khai thực hiện đạt kết quả tốt nhất, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành Quyết định 1055/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Công tác triển khai Đề án 06 và xây dựng Quy chế hoạt động của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn. Việc thành lập Tổ Công tác được xem là dấu mốc quan trọng để tăng tốc phối hợp cùng với các ngành, địa phương thực hiện thành công Đề án.
 
Trên cơ sở kết quả đạt được trong xây dựng thành phố thông minh những năm qua, bước đầu triển khai thực hiện Đề án 06 cũng có một số thuận lợi nhất định. Tính đến hết ngày 31/5/2022, trong 25 dịch vụ công thiết yếu, Công an thành phố Đà Lạt đã triển khai thực hiện 7 nhóm dịch vụ theo Đề án 06 gồm: cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình phạt nguội. Trong đó, Công an thành phố thực hiện 3 nhóm dịch vụ công là cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội) đạt mức độ 2. Công an phường, xã thực hiện 4 nhóm dịch vụ công gồm: đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú đã đạt mức độ 4. 
 
Đối với thủ tục liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, do hạn chế về một số dữ liệu nhưng về cơ bản cũng đã được thực hiện theo quy trình ngày càng thuận lợi hơn trong quản lý nhà nước và giảm thủ tục rườm rà cho người dân. Ngoài ra, thành phố đã tập trung đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 120 thủ tục hành chính (TTHC) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố. Quy trình thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến để công dân thực hiện cơ bản thuận lợi nhưng chưa hỗ trợ điền thông tin có sẵn trong cơ sở dữ liệu vào biểu mẫu điện tử do cơ sở dữ liệu dân cư chưa liên thông với hệ thống một cửa điện tử. Việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ liên thông tại Bộ phận một cửa, các cơ quan chuyên môn đối với hầu hết các TTHC (trừ TTHC lĩnh vực đất đai) đã được thực hiện tốt và thuận lợi. Riêng lĩnh vực đất đai, do việc phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai với các phòng chuyên môn của thành phố chưa thật sự tốt dẫn đến giải quyết trễ hạn nhiều hồ sơ của tổ chức, cá nhân. Thành phố cũng đã đưa vào khai thác các phần mềm nghiệp vụ kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu và trạng thái, tiến trình giải quyết hồ sơ đối với việc cấp phép xây dựng và đăng ký kinh doanh. Theo đánh giá, đội ngũ cán bộ thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ dịch vụ công cũng cho thấy ý thức trách nhiệm và nhiệt huyết với công việc, có ý thức nghiên cứu nâng cao năng lực công tác để phục vụ công việc chuyên môn và tận tình trong việc hướng dẫn, giúp đỡ người dân thực hiện các thủ tục hành chính công.
 
Mặc dù bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến hiện cũng gặp một số khó khăn cần tháo gỡ. Và hiện nay, thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai, tăng cường tuyên truyền đến mọi đối tượng về dịch vụ công trực tuyến. Thành phố cũng đang tiếp tục tiến hành kiểm tra, đánh giá nguồn nhân lực, thực trạng đường truyền phục vụ dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn nhằm kiến nghị, đề xuất để khắc phục và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.
 
NGUYỄN NGHĨA