Những năm qua, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), qua đó tạo mọi điều kiện để hội viên được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
|
HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức giúp hội viên phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân địa phương |
•
XUẤT HIỆN NHIỀU MÔ HÌNH HAY
Tại xã Mỹ Đức, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức với 40 ha trồng cây ăn trái, gồm sầu riêng và bưởi da xanh được sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo sạch, an toàn từ chăm sóc đến thu hái, bảo quản. Ông Phạm Văn Xã, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức cho biết: “Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ trái cây an toàn của thị trường ngày càng cao, các xã viên của HTX mạnh dạn góp vốn, góp đất để triển khai mô hình trồng trái cây hữu cơ. Hiện HTX đã có 12 ha sầu riêng và 3 ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch, tất cả đều đạt năng suất, được thị trường đón nhận và có một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các mặt hàng trái cây của HTX phần lớn xuất đi thị trường các tỉnh phía Nam. Khi tham gia HTX, các thành viên cũng yên tâm hơn vì có đầu ra ổn định, không lo bị tồn đọng hàng. Năm nay, tổng sản lượng sầu riêng thu về được trên 100 tấn với giá bán là 30.000 - 35.000 đồng/kg. Đồng thời tạo việc làm ổn định cho 10 lao động là người dân tộc thiểu số, với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, giúp đỡ về giống, vốn và kỹ thuật cho hàng chục hộ dân tại địa phương”.
Cũng tại xã Mỹ Đức, mô hình nuôi thỏ NewZealand theo hướng khép kín của anh Hoàng Quốc Huy (33 tuổi) trong gần 3 năm qua mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Huy cho biết: “Mỗi năm, thỏ mẹ sinh sản 6 - 8 lứa/năm, mỗi lứa trung bình từ 7 - 8 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi thì có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng, thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg là có thể xuất bán. Với giá thị trường hiện tại, gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm”.
Còn tại thị trấn Đạ Tẻh, hộ gia đình ông Nguyễn Trung Hưng với mô hình trồng sầu riêng và bưởi da xanh, hàng năm thu nhập khoảng 3 tỷ đồng sau khi đã trừ các chi phí. Bên cạnh đó, ông Hưng tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng; cho 10 hộ vay vốn để mua bò, mua cây giống sản xuất.
Đại diện Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh cho biết: Chất lượng và hiệu quả phong trào SXKDG ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh cao, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, ổn định xã hội. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ có mức thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên tăng cao. Cụ thể, số hộ có mức thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên chiếm 0,16%, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng chiếm 0,58%, từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng chiếm 3,6%.
•
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHONG TRÀO
Theo Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh, đầu năm đến nay, việc phát động phong trào thi đua SXKDG của các cấp hội trên địa bàn được quan tâm triển khai, thực hiện. Qua đó, tạo thêm động lực, khuyến khích hội viên, nông dân nỗ lực tăng gia lao động, sản xuất, nhất là trong bối cảnh dịch COVID -19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống.
Để giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi, trong 5 năm qua, các cấp Hội đã kết hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện, các công ty tổ chức được 789 buổi tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi thu hút 45.458 lượt cán bộ, hội viên học tập; tổ chức 103 buổi hội thảo với 4.383 lượt người tham dự; 67 buổi tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả cho 1.232 hội viên. Hội phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức được 82 lớp dạy nghề cho 2.591 hội viên, nông dân.
Đồng thời, để giúp hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, các cơ sở Hội trong huyện tiếp tục ký nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho hội viên, nông dân vay vốn. Đến nay, tổng số quỹ hỗ trợ nông dân do Hội quản lý là hơn 5 tỷ đồng, đang cho 15 dự án/157 hộ vay để phát triển sản xuất, tăng thu nhập gia đình.
Thông qua phong trào Hội Nông dân phát động, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKDG ở cơ sở đều tăng. Cụ thể, năm 2017 có 4.086 hộ đăng ký SXKDG các cấp, đến năm 2021 có 5.012 hộ.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu nông sản.
THÂN THU HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin