Trong bức tranh văn hóa cộng đồng người Dao, ngoài các phong tục tập quán, lễ hội, nghề thêu truyền thống cũng là một trong những sắc thái đặc trưng của phụ nữ Dao đỏ. Tuy nhiên, với cộng đồng người Dao di cư ở Tân Thanh (Lâm Hà) thì việc giữ gìn và lưu truyền nghề đã trở thành niềm trăn trở. Nhưng, sâu trong tiềm thức, họ vẫn không thôi hi vọng và cố gắng trao truyền nét đẹp văn hóa này cho thế hệ sau.
|
Bà Thạch tỉ mẩn thêu họa tiết mẫu trao truyền cho thế hệ sau |
Chiều muộn, những sợi nắng vàng rơi trên cửa sổ, bà Lý Thị Thạch - người phụ nữ Dao Quế Lâm, 66 tuổi - vẫn nhịp nhàng, tỉ mẩn đưa từng mũi kim, thêu nên những họa tiết sinh động trên bộ váy truyền thống đậm sắc của người Dao đỏ. Bà Thạch là một trong số ít những phụ nữ Dao lớn tuổi ở Thôn 10 (xã Tân Thanh) vẫn còn cần mẫn gìn giữ nét văn hóa truyền thống này.
Nhắc đến nghề thêu truyền thống của phụ nữ Dao - nhịp thêu chậm lại, đưa mắt nhìn về phía xa, bà Thạch hồi tưởng lại những ngày khi còn là cô bé 10 tuổi - sống ở vùng đất Thuần Mang (Ngân Sơn, Bắc Kạn), bà theo mẹ và các chị để tập thêu thùa như bao thiếu nữ Dao khác. Say mê nhìn theo từng đường kim, mũi chỉ khéo léo của mẹ, bà trầm trồ trước những họa tiết sinh động của hoa lá, núi rừng và chim muông. Để rồi không khỏi khát khao được mặc bộ váy sặc sỡ do tự tay mình thêu nên.
Mẹ ân cần hướng dẫn cho bà từ cách xâu chỉ, luồn kim cho đến tạo hình họa tiết. Cứ sau mỗi bữa cơm tối hay những ngày rảnh việc nương rẫy, bà Thạch lại soạn chỉ, vải mày mò tập thêu. Khởi đầu bằng những đường thêu đơn giản từ thẳng, răng cưa, dích dắc... đến những họa tiết phức tạp như hoa lá, rừng núi, động vật, thần linh… Mỗi họa tiết mang một ý nghĩa riêng biệt: cây, hoa, động vật tượng trưng cho sự tương giao, hòa hợp với thiên nhiên; hình ảnh thần linh, con người trong sản xuất, sinh hoạt hằng ngày hiện thân cho sự tương quan giữa người với thần, sự đoàn kết giữa người với người. Các hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ không theo một mô típ hình mẫu nhất định mà tùy thuộc vào trí tượng tưởng và sự lắng đọng tâm hồn của người thêu. Do vậy, “mỗi bộ trang phục là một ‘tác phẩm’ riêng biệt khác nhau ở đường nét, màu sắc, hoa văn, nhưng luôn đảm bảo sự tinh tế và hài hòa tổng thể” - bà Thạch chia sẻ.
Với người Dao đỏ, con gái tầm 10 đến 15 tuổi, hầu hết đều đã biết thêu thùa, may vá. Để đến tuần “cập kê”, các thiếu nữ đã có thể tự chuẩn bị các bộ lễ phục. Thậm chí, nhiều cô gái được “đặc cách” khỏi việc đồng áng để toàn tâm, toàn ý thêu thùa, may vá trang phục cho hôn lễ của mình.
Tạm ngưng công việc, bà Thạch kể tiếp, trang phục của phụ nữ Dao đỏ Bắc Kạn có hai loại: thường phục và lễ phục. Thường phục không được thêu hoa văn, chỉ gồm hai màu chủ đạo xanh và đen, được mặc hàng ngày hoặc khi lao động sản xuất. Lễ phục thì được mặc trong ngày cưới, lễ hội hoặc trong những ngày có công việc lớn, lễ trọng như cấp sắc cho con trai, con dâu.
Được mặc trong những ngày trọng đại, lễ phục thể hiện sự trang trọng, thành tâm, thành kính; do vậy, chúng được thêu rất công phu và có màu sắc tươi sáng, sặc sỡ. Áo thường được mặc cùng một chiếc yếm, thân áo được trang trí nhiều hoa văn nổi bật; cổ tay, váy và mũ được đính các chuỗi hạt cườm; đặc biệt viền hai ngực áo đính nhiều bông len đỏ to tròn - một điểm nhấn để phân biệt giữa người Dao đỏ với các nhóm Dao khác như Dao tiền, Dao Thanh y, Dao Quần trắng…
Màu sắc và họa tiết trên lễ phục thể hiện nhân sinh quan của người Dao đỏ. Theo quan niệm, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sung túc, hạnh phúc và mang đến nguồn năng lượng tích cực cho người mặc. Do đó, các lễ phục của người Dao đỏ thường có màu đỏ là màu chủ đạo. Sự chỉn chu, hoàn thiện của các bộ lễ phục được xem là thước đo đánh giá sự trưởng thành của người thiếu nữ Dao. Hoa văn, họa tiết trên y phục không chỉ biểu trưng cho tính cần cù, nhẫn nại mà còn thể hiện sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ. Vì vậy, thêu là một phần tất yếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Dao đỏ.
Song, theo bà Thạch thì công việc này đang ngày một mai một nơi đây. Thôn 10 không còn mấy người biết thêu thùa, con cháu cũng không mặn mà với cái nghề tỉ mẩn này. Với sự phát triển của kinh tế thị trường và giao lưu văn hóa, nhu cầu về trang phục truyền thống cũng không được như trước. Thời gian, công sức và chi phí để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống là rất cao. Do vậy, mặc dù vẫn dành sự trân quý với nét bản sắc văn hóa dân tộc mình, nhưng, đứng trên khía cạnh kinh tế, nghề thêu không thể cạnh tranh với các hoạt động nông nghiệp mang lại giá trị cao như cà phê, dâu tằm, cây ăn trái...
Với ít ỏi người lớn tuổi biết thêu còn lại ở thôn, bà Thạch e rằng “một mai sự nối dài của ‘sợi chỉ Dao đỏ’ cũng phải dừng lại”. Dù nay mắt đã kém, thỉnh thoảng vẫn có những đường kim thêu sai vì không thấy rõ, thế nhưng, bà Thạch vẫn ngày ngày cần mẫn thêu những họa tiết mẫu, như là một phần “di sản” mà bà muốn để lại cho con cháu. Bởi, bà tin rằng “một mai con cháu sẽ tìm về với bản sắc dân tộc mình và tìm cách phục dựng những giá trị truyền thống; khi đó, những vật mẫu này sẽ trở thành hạt giống ươm trồng nghề thêu của người Dao đỏ ở Tân Thanh thêm một lần nữa”.
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin