Cảnh báo về ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc

07:07, 06/07/2022
(LĐ online) - Từ vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc với 2 ca mắc hiện đang điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn ông Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về vấn đề này.
 
* Phóng viên: Thưa bác sỹ! Xin ông cho biết kết quả điều tra vụ ngộ độc rượu vừa xảy ra tại Lạc Dương?
 
* BSCKII Bùi Văn Độ: 
 
 
Ngày 2/7, tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, Lạc Dương có 2 bệnh nhân nghi do ngộ độc rượu và đã được nhập viện hiện đang trong tình trạng hôn mê tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Qua điều tra, đây là 2 anh em ruột uống từ 10 giờ trưa ngày 2/7; sau đó, 11 giờ 30 có thêm 1 anh bạn ở Lâm Hà lên cũng tham gia uống rượu cùng. 
 
Kiểm tra, xác minh thông tin về 2 ca nghi ngộ độc Methanol do uống rượu là bệnh nhân Liêng Jrang Ha Hải (23 tuổi) và Liêng Jrang Ha Hôn (26 tuổi). Theo khai thác thông tin, 2 người có sử dụng rượu từ ngày 2/7 được mua từ nhiều chỗ; trong đó, có 1 lít được mua tại tạp hóa Thanh Trà (thôn Đạ Nghịt), còn lại không xác định được do 2 bệnh nhân đang hôn mê.
 
Tại thời điểm đoàn kiểm tra làm việc, tại tạp hóa Thanh Trà còn khoảng 70 lít rượu được đựng trong 3 can nhựa bao gồm: 2 can 30 lít còn nguyên vẹn chưa bán, 1 bình 20 lít đã bán được một nửa. Các can rượu không có nhãn.
 
Theo trình bày của chủ tạo hóa Thanh Trà, rượu được mua của cơ sở nấu rượu của bà Lư Thị Kim Thăng (thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương). Cơ sở này bán lẻ rượu hàng ngày với số lượng ít (3, 4 lít/ ngày).
 
Ngay ngày 5/7, đoàn đã làm việc với địa phương và yêu cầu thông báo tất cả các cơ sở kinh doanh, nấu rượu, bán rượu chưa được công bố sản phẩm thì không được bán và người dân không được uống rượu không có công bố, không có nhãn, mác. Đoàn đến 2 cơ sở mà bệnh nhân có mua uống lần sau cùng để lấy mẫu xét nghiệm Methanol.
 
Sáng 6/7, đoàn tiếp tục điều tra, lấy mẫu tiếp tục test nhanh và gởi xét nghiệm. 10 mẫu rượu đã lấy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn Đạ Nghịt đã được test nhanh chỉ tiêu Methanol, kết quả có 5 mẫu âm tính. Hiện, cả 10/10 mẫu được chuyển Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt để tiến hành định lượng chỉ tiêu Methanol.
 
* Phóng viên: Ghi nhận tình hình ngộ độc rượu xảy ra trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây như thế nào, thưa bác sỹ?
 
* BSCKII Bùi Văn Độ:
 
 Nhìn lại những năm vừa qua tại Lâm Đồng đã có những vụ ngộ độc rượu và có ca tử vong. Đó là năm 2011, có 1 ca ở Nam Ban (Lâm Hà) uống rượu ngâm không rõ thuốc gì. Năm 2012, có 4 trường hợp uống rượu tại Đơn Dương nhưng rượu được nấu tại Đức Trọng có pha cồn công nghiệp, 4 người uống thì 3 người tử vong. Năm 2016, có 1 vụ ngộ độc tại Bảo Lâm do 6 người uống rượu ngâm củ ấu tàu, nhờ được cấp cứu kịp thời nên không bị tử vong. 
 
2 bệnh nhân (ở xã Lát, Lạc Dương) bị hôn mê do uống rượu không rõ nguồn gốc đang được điều trị hồi sức tích cực, lọc máu liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
Bệnh nhân (ở xã Lát, Lạc Dương) bị hôn mê do uống rượu không rõ nguồn gốc đang được điều trị hồi sức tích cực, lọc máu liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
* Phóng viên: Trước thực trạng này ngộ độc rượu nêu trên thì cần có cảnh báo gì để người dân sử dụng rượu an toàn?
 
* BSCKII Bùi Văn Độ:
 
Qua vụ ngộ độc tại Lạc Dương, về phía cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã thông báo cho Phòng Y tế xã Lát, cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh kiểm tra tất cả những cơ sở nấu rượu, bán rượu phải có công bố, có nhãn mác và tất cả người tiêu dùng cần phải biết sử dụng rượu đã được công bố, có nhãn mác mới đảm bảo an toàn; còn sử dụng rượu giả, không rõ nguồn gốc có Methanol cao sẽ bị ngộ độc, dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, người dân sử dụng rượu uống ngâm thuốc thì phải được bác sĩ đông y chỉ định ngâm thuốc gì, chữa bệnh gì để khỏi bệnh và phòng ngộ độc do rượu gây ra. Cảnh báo người tiêu dùng hạn chế sử dụng rượu, chỉ uống rượu khi có nhãn mác.
 
* Phóng viên: Xin cảm ơn bác sỹ!
 
AN NHIÊN (thực hiện)