Cộng tác viên dân số của buôn làng

06:07, 11/07/2022
Chị Cil K’Hạnh - Cộng tác viên dân số ở thôn Toa Cát, xã Đa Quyn (Đức Trọng) dù tuổi đời còn trẻ (33 tuổi) nhưng đã có 13 năm miệt mài với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhờ vậy, chị đã giúp người dân trong thôn nâng cao ý thức thực hiện tốt các chính sách về dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình…
 
Chị Cil K’Hạnh - cộng tác viên dân số ở thôn Toa Cát, xã Đa Quyn (Đức Trọng).
Chị Cil K’Hạnh - cộng tác viên dân số ở thôn Toa Cát, xã Đa Quyn (Đức Trọng)
 
Ít ai có thể hình dung được người phụ nữ nhỏ nhắn ấy hiện đang kiêm nhiệm tới 5 chức danh ở thôn. Ngoài thâm niên 13 năm làm cộng tác viên dân số thôn, K’Hạnh còn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của thôn tín nhiệm giao làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, y tế thôn bản.
 
Chị Cil K’Hạnh chia sẻ: “Có được sự tín nhiệm đó là nhờ gần 13 năm gắn bó với công tác dân số, tôi luôn nhiệt tình, hết mình với công việc, nêu cao phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện tốt các chính sách về dân số. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thôn đã có những chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện chính sách dân số và phát triển. Làm công tác dân số giai đoạn nào cũng khó khăn cả, trước đây thì lo vận động việc sinh ít con để làm kinh tế, bây giờ lại vận động người dân không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống, những lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, những hệ lụy của việc thừa nam thiếu nữ… để góp phần nâng cao nhận thức của người dân từng bước nâng cao chất lượng dân số”.
 
Thấy nhiều gia đình trong thôn đông con cuộc sống khổ cực, con cái không được đến trường nên chị K’Hạnh bàn với chồng, mình phải làm gương cho bà con nên dừng lại hai con để tập trung nuôi dạy con cho tốt, được chồng ủng hộ. Không những thế mà chồng chị còn tạo điều kiện cho chị tham gia công tác xã hội, nhờ vậy chị yên tâm với nghề “vác tù và hàng tổng” suốt 13 năm qua. Hiện nay, 2 cô con gái của vợ chồng chị Cil K’Hạnh đều chăm ngoan, học giỏi.
 
Làm công tác dân số, ngoài sự nhiệt tình, hăng hái thì kĩ năng quan trọng nhất là phải linh hoạt trong việc tiếp cận và tuyên truyền cho mỗi đối tượng. Không chỉ truyền thông tại buổi họp thôn, các đợt làm chiến dịch hay qua hệ thống truyền thanh của xã mà chị K’Hạnh còn chủ động khéo léo trò chuyện với chị em ở mọi lúc, mọi nơi như khi đi làm nương rẫy, đi chợ, hay ở hội hè, đám cưới... Qua đó, nắm bắt được tâm tư của từng người, tìm ra hướng vận động phù hợp với từng đối tượng. Chị Tô Thị Toàn - viên chức Trung tâm Y tế Đức Trọng nhận xét: “Kiên trì, tâm huyết, trách nhiệm” là 3 yếu tố cần thiết với một người cộng tác viên dân số, đó là cách làm của chị K’Hạnh. Không những thế, chị K’Hạnh còn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các cộng tác viên khác trong xã giúp công tác dân số trên địa bàn ngày càng tốt hơn. 
 
Với bản lĩnh của một người đảng viên có kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác xã hội, chị K’Hạnh không nề hà bất cứ việc gì, chị chia sẻ: “Giữ bao nhiêu chức vụ thì từng ấy khó khăn, song khi biết chủ động sắp xếp và kết hợp các công việc thì sẽ đạt hiệu quả cao. Bây giờ kiêm nhiều việc mệt hơn, mất thời gian nhiều hơn nhưng nó lại thuận tiện hơn, hiệu quả hơn trong việc tuyên truyền về công tác dân số - y tế, vì một lúc kết hợp được nhiều thứ hơn, đặc biệt là uy tín, sự tin tưởng của người dân đối với chị mình”.
 
Là một Bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, chị cùng với cấp ủy hàng năm đều ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác dân số - y tế. Phối hợp với Hội phụ nữ xã duy trì hoạt động có hiệu quả câu lạc bộ phụ nữ không có người sinh con thứ ba, thu hút trên 30 hội viên tham gia sinh hoạt.
 
Chị K’Hạnh cho biết thêm: “Địa bàn mình quản lý có 126 hộ và 538 khẩu với 97% là người đồng bào dân tộc thiểu số, công tác dân số của thôn hiện nay vẫn còn có khó khăn nhưng đáng mừng là suy nghĩ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thôn đã đi vào nền nếp, công tác truyền thông vận động khá thuận lợi. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại luôn đạt trên 70%, đã có 100% phụ nữ mang thai được khám chăm sóc sức khỏe, 100% trẻ sinh ra được tiêm chủng và uống vitamin đầy đủ”.
 
Thành công trong công tác dân số đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương, giúp đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều được nâng lên, gia đình đạt “Gia đình văn hoá” ngày càng nhiều.
 
Khi được hỏi: “Với mức phụ cấp ít ỏi, công việc vất vả, có khi nào chị muốn nghỉ làm cộng tác viên dân số để tập trung vào các nhiệm vụ khác không?”, chị K’Hạnh vui vẻ trả lời: “Chỉ khi nào chính quyền và Nhân dân không tín nhiệm nữa thì tôi mới “nghỉ hưu” bởi làm cộng tác viên dân số chính là cái duyên của cuộc đời mình”.
 
CÔNG NAM