Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

05:07, 13/07/2022
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn xã Phú Hội, huyện Đức Trọng giai đoạn 2015-2020, bước đầu đã tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS.
 
Ngoài tuyên truyền về những tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, địa phương còn quan tâm mọi mặt đời sống của người dân... Trong ảnh: Hội LHPN xã Phú Hội trao Mô hình “Cơ hội bền vững” cho các hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài tuyên truyền về những tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, địa phương còn quan tâm mọi mặt đời sống của người dân... Trong ảnh: Hội LHPN xã Phú Hội trao Mô hình “Cơ hội bền vững” cho các hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn
 
Xã Phú Hội có khoảng 22 dân tộc anh em sinh sống tại 15 thôn (6 thôn vùng ĐBDTTS, 3 thôn vùng sâu), với tỷ lệ ĐBDTTS chiếm hơn 42%. Xác định tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng ĐBDTTS không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dân số, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo khó, kém phát triển, thực hiện kế hoạch của UBND huyện Đức Trọng về việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS” trên địa bàn huyện Đức Trọng giai đoạn 2015-2020, xã Phú Hội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn xã. Đồng thời, ban hành các quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Mô hình “Thôn không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS giai đoạn 2015-2020” và Ban Chỉ đạo giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020.
 
5 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình được thực hiện thường xuyên tại các cuộc họp UBND xã mở rộng, trong các buổi họp dân tại các thôn trên địa bàn xã. Qua đó, cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là Nhân dân trên địa bàn xã nhận thức rõ  hơn về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. 
 
Trong vòng 5 năm, UBND xã Phú Hội đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và Ban Nhân dân các thôn tổ chức 75 lượt tuyên truyền cho cán bộ và Nhân dân 15 thôn địa bàn, 3 lượt cho cán bộ, công chức cấp xã thông qua các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tháng, với sự tham gia của gần 2.000 lượt người.
 
Tháng 8/2019, Ban Chỉ đạo Mô hình “Thôn không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” xã Phú Hội đã tổ chức ra mắt Mô hình “Thôn không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại Thôn R’Chai 3. Đây là thôn có phần lớn là đồng bào gốc Tây Nguyên sinh sống, chiếm trên 70%, việc chuyển đổi và tiếp cận khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn gặp nhiều hạn chế vì vậy thu nhập của người dân chưa được cao; phong tục tập quán theo mẫu hệ vẫn còn .
 
Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, địa phương còn tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động... nhằm tăng thu nhập, ổn định đời sống. Cùng với đó, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho ĐBDTTS; phát huy tốt vai trò người có uy tín; xây dựng quy ước thôn văn hóa và các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phối hợp với gia đình, tộc họ và các ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động ĐBDTTS thực hiện theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình...
 
Sau 5 năm thực hiện đề án, nhận thức của cán bộ, Nhân dân, nhất là ĐBDTTS được nâng lên, ý thức chấp hành pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực. So với các năm trước, tỷ lệ tảo hôn trong vùng ĐBDTTS giảm; nếu như từ năm 2015- 2018, có 11 trường hợp tảo hôn, thì từ năm 2019 đến nay, chưa phát hiện trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
 
Mặc dù tỷ lệ tảo hôn có giảm nhưng nguy cơ tiềm ẩn xảy ra vẫn còn, vì trong vùng ĐBDTTS việc tiếp cập các thông tin liên quan đến vấn đề tảo hôn, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng thanh niên, vị thành niên còn hạn chế; việc phát hiện, nắm bắt tình hình tảo hôn gặp nhiều khó khăn do người dân không đăng ký kết hôn; việc ngăn chặn, xử lý việc tảo hôn còn chưa kịp thời, trong xử lý còn nể nang...
 
Trong thời gian tới, xã Phú Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; Luật Hôn nhân và Gia đình, nhất là những tác hại, hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn xã; lồng ghép vào các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể; phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín vùng ĐBDTTS. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, phối hợp với gia đình, dòng họ, mặt trận, đoàn thể để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình... 
 
NHẬT MINH