Trong thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn Đà Lạt đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng và số lượng các vụ hòa giải thành công khá cao. Với hơn 1.000 hòa giải viên, 204 Tổ Hòa giải trên địa bàn đã hòa giải thành công 133 trong tổng số 157 vụ tiếp nhận (đạt tỷ lệ 84%) trong năm qua (6/2021 đến hết 5/2022).
|
Các thành viên Tổ Hòa giải thôn Trường Thọ tìm hiểu pháp luật trước buổi hòa giải. |
Với tính hiệu quả mà các Tổ Hòa giải cơ sở mang lại, việc kiện toàn, phát triển đội ngũ hòa giải viên, cải thiện chất lượng hoạt động luôn được TP Đà Lạt quan tâm. Do vậy, thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tốt, giảm thiểu các vụ tranh chấp - khiếu kiện, góp phần cải thiện an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, công tác hòa giải còn có một số mặt hạn chế: đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác này; kiến thức, kỹ năng của một số hoà giải viên chưa cao và một bộ phận người dân chưa thực sự tin tưởng vào công tác hòa giải…
Nhằm cải thiện các hạn chế và thực hiện văn bản của Sở Tư pháp về việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đầu tháng 6/2022, TP Đà Lạt đã triển khai nhân rộng các mô hình điểm hòa giải cấp cơ sở. Dựa trên kết quả hoạt động thời gian qua của các Tổ hòa giải trên địa bàn, UBND TP Đà Lạt đã chọn xã Trạm Hành làm điểm.
Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Trạm Hành cho biết, mô hình điểm được triển khai trên hai thôn Trường Thọ và Trạm Hành 1 - một thôn có tỷ lệ hòa giải cao để nhân rộng, thôn còn lại có tỷ lệ hòa giải thấp, nhiều vụ việc khó giải quyết để hướng dẫn, khắc phục khó khăn.
Với hơn 290 hộ (1.500 nhân khẩu) và có nhiều công ty, dự án, dịch vụ du lịch, thôn Trường Thọ không khỏi phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Tuy nhiên, theo ông Trung, hầu hết các vụ việc đều được Tổ hòa giải của thôn hòa giải thành công, an ninh trật tự được giữ ổn định - trở thành điển hình cho các thôn đến tham dự các buổi hòa giải và học tập.
Để làm được điều này, theo ông Lê Văn Thành - Tổ trưởng Tổ Hòa giải thôn: “Các hòa giải viên phải là người có uy tín khi đó mới thuyết phục được người dân”. Do đó, 4 thành viên của Tổ gồm có Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Mặt trận thôn và Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ. Theo ông, trước mỗi vụ việc, các thành viên tìm hiểu rõ ngọn nguồn, nguyên nhân của vụ việc, từ đó có hướng giải quyết, hòa giải thích đáng. Ngoài ra, trước đó, các tài liệu, quy định của pháp luật đều được các thành viên tìm hiểu kỹ và nắm rõ.
Tuy nhiên, ở Thôn Trạm Hành 1, mặc dù các hòa giải viên luôn nhiệt tình và trách nhiệm với công việc, nhưng, theo bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - Trưởng Thôn Trạm Hành 1 - tỷ lệ hòa giải thành công ở thôn chưa cao. Các vụ tranh chấp trên địa bàn thường liên quan đến đất đai, trong khi, kiến thức của hòa giải viên về pháp luật liên quan đến Luật Đất đai còn hạn chế, nên nhiều vụ phải chuyển hòa giải tại UBND xã.
Do vậy, theo ông Trung, với Thôn Trạm Hành 1, xã đã tập trung tuyên truyền vai trò của công tác hòa giải cơ sở đến người dân; tăng số hòa giải viên lên 4; nâng cao kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật cho hòa giải viên; và phân công cán bộ tư pháp, địa chính, công an... hỗ trợ với các vụ việc phức tạp. Nhờ đó “đến nay, các hòa giải viên của thôn đã tự tin hơn công việc, nhiều mâu thuẫn gần đây được hòa giải thành công, tạo được lòng tin của bà con” - bà Hiếu phấn khởi nói.
Có thể thấy, mặc dù chỉ mới triển khai nhân rộng mô hình điểm hòa giải cơ sở tại Trạm Hành, nhưng mô hình này đã và đang khẳng định được tính hiệu quả trên thực tiễn. Theo bà Trần Thị Vũ Loan, việc triển khai nhân rộng mô hình điểm hòa giải cấp cơ sở đã giúp cho hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện tốt để tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ đó, từng bước phát huy vai trò của các Tổ hòa giải cơ sở, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đặc biệt, hoạt động hoà giải hiệu quả đã giúp cho người dân tiết kiệm được thời gian, kinh phí, hạn chế việc khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền.
Thời gian tới, bà Loan cho biết, thành phố sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Hòa giải; tập trung cải thiện năng lực, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Mặt khác, các Tổ cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, hội, đoàn thể và người dân am hiểu pháp luật tham gia Tổ Hòa giải ở cơ sở; đồng thời, bảo đảm kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ cho hòa giải viên để động viên, khuyến khích những người làm công tác hòa giải.
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin