Có một Đan Phượng bên dòng Đa Dâng

01:08, 18/08/2022
Tham gia xây dựng vùng kinh tế mới, những người con huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội (ngày nay) nô nức rời quê hương để đến với mảnh đất Lâm Đồng đầy nắng và gió. Mang theo tên đất, tên người vào vùng đất Nam Tây Nguyên, xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà) ngày nào còn hoang sơ sau chiến tranh, nay đã vươn mình trở thành vùng quê trù phú bên dòng Đa Dâng chở nặng phù sa. 
 
 Toàn cảnh Trung tâm Hành chính huyện Lâm Hà
Toàn cảnh Trung tâm Hành chính huyện Lâm Hà
 
TỪ VÙNG ĐẤT LẠ LẪM NGÀY ẤY...
 
Trong căn phòng làm việc, ông Phạm Như Mai - Nguyên Chủ tịch UBND xã Đan Phượng giới thiệu với chúng tôi cuốn Lịch sử Đảng bộ xã (1987-2017). Lật những trang giấy ghi lại quá trình hình thành và phát triển của địa phương, ông Mai tự hào: “Nhìn lại chặng đường dài vất vả, khó khăn từng đi qua, đến nay Đảng bộ xã Đan Phượng là tổ chức cơ sở đảng duy nhất của huyện Lâm Hà được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen “Đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liên tục (2016-2020)”.
 
Tại cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đan Phượng, công cuộc khai phá đầu tiên vào tháng 3/1981, chỉ có 25 hộ dân được đưa vào là những người con huyện Đan Phượng theo chủ trương của Đảng vào khai phá và sinh sống ở Sình 2 (Đan Phượng II) nay là thôn Phượng Lâm. Đợt 2 là tháng 5/1981 có 47 hộ dân được đưa vào khai phá và sinh sống cũng ở Sình 2 và thành lập  Hợp tác xã Đan Phượng II. Đến tháng 3/1983, Ban Kinh tế mới huyện Đan Phượng (Thành phố Hà Nội) tiếp tục đưa 54 hộ dân vào Sình 3 nay là thôn Thống Nhất thành lập nên Hợp tác xã Đan Phượng III. Đợt 4 vào tháng 12/1983 tiếp tục đưa 31 hộ dân vào cuối Sình 2 (thôn Phượng Lâm). Tháng 12/1984 huyện Đan Phượng đưa 76 hộ dân vào khu vực sình Chum (nay là thôn Đan Hà và thôn An Bình) thành lập nên Hợp tác xã Đan Phượng IV. Đến năm 1986 dân ở nhiều tỉnh trong cả nước di cư đến Lô 17 hình thành nên Thôn 3 (nay là thôn Đoàn Kết).
 
Ngược dòng ký ức, nguyên Chủ tịch UBND xã Đan Phượng vẫn còn nhớ như in những ngày đầu rời quê hương vào vùng đất Lâm Đồng xây dựng cuộc sống mới. Từ năm 1987, những người con miền đất cổ Đan Phượng bắt tay vào khai hoang trên vùng đất mới với chuỗi ngày đầy gian khổ. Cái đói, cái nghèo luôn hiện hữu, bệnh tật rình rập và tàn quân Fulro đã khiến nhiều người đi cùng lúc với ông muốn buông xuôi để trở về quê cũ. 
 
“Đất núi, đất rừng ngày ấy cũng chưa bằng phẳng, còn in hằn dấu vết của chiến tranh sót lại với những hố bom, vỏ đạn... Những người như tôi, rồi lực lượng thanh niên xung phong tham gia lấp hố, khai hoang đã bắt đầu công cuộc phát triển các vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước” - ông Mai giãi bày.
 
Những người làm kinh tế mới Đan Phượng đã ghi dấu gốc gác của mình bằng cách lấy tên nơi ở cũ đặt cho nơi lập làng. Ông Nguyễn Văn Mến - Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Nghe tên thôn là biết người vùng ấy đến từ đâu. Không phải ở xã Đan Phượng mà hầu hết những xã, thị trấn của huyện Lâm Hà, họ đều lấy tên xã, huyện mình đặt cho tên quê hương mới, phần để nhớ về làng cũ, phần để thể hiện sự quây quần, đoàn kết ở nơi ở mới”.
 
35năm kể từ khi những nhát cuốc đầu tiên vỡ đất khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới ở phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng, diện mạo xã Đan Phượng bây giờ đã khác, đất hoang đã thành vườn, thành thôn, thành xã.
 
Thế hệ đi khai hoang dạo ấy, giờ đã già. Khi gian khó tạm lắng, đời sống an yên, họ ngồi ôn lại chuyện xưa cùng con cháu bên chén trà thơm trong mảnh sân vườn mát rượi. Vườn và rừng xanh mát của hôm nay, với họ là thành quả của gần nửa thế kỷ đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên những dải đất từng được xem là “khỉ ho, cò gáy” này.
 
Đan Phượng thành lập Câu lạc bộ Dân ca ba miền nhằm lưu giữ các làn điệu dân ca.
Đan Phượng thành lập Câu lạc bộ Dân ca ba miền nhằm lưu giữ các làn điệu dân ca.
 
NAY HÓA QUÊ HƯƠNG
 
Dẫu khó khăn nhưng với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, người dân Đan Phượng vẫn một lòng bám trụ để dựng xây quê hương thứ hai ngày càng tươi đẹp. Họ bắt đầu trồng bắp, đậu tương, lúa để đủ sống qua ngày. Sau đó bà con trồng dâu nuôi tằm, quăng chài, kéo lưới đánh cá. Từ những hạt giống đầu tiên được gieo xuống và cả những định hướng của chính quyền địa phương, những nương dâu, vườn cà phê hay tiêu đã phủ một màu xanh trù phú, ấm no lên mảnh đất này.
 
Ông Nguyễn Quang An - Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết: Hiện toàn xã có 1.588 hộ với 5.861 nhân khẩu; trong đó người Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới chiếm 60%. Toàn xã hiện có tổng diện tích đất tự nhiên là 4.627 ha; trong đó, đất nông nghiệp 4.131 ha, đất phi nông nghiệp 496  ha. Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng đã thực hiện 470,5 ha; trong đó cây dâu 9,4ha, cây cà phê tái canh và chuyển đổi được 23 ha, cây mắc ca 68,6 ha, cây ăn quả 14,5 ha. Đặc biệt, diện tích trồng rau công nghệ cao 11,4 ha; trong đó có 2,3 ha nhà kính và 4,8 ha nhà lưới.
 
Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân Đan Phượng trong những năm qua
Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân Đan Phượng trong những năm qua
 
Tỷ lệ hộ nghèo là 7,12% với mức thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43 triệu đồng/người/năm. Các chính sách an sinh xã hội luôn thực hiện tốt, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. 
 
Năm 2021, xã Đan Phượng tập trung chỉ đạo rà soát, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Trong năm, địa phương được phân bổ và xây dựng 6 công trình giao thông nông thôn với tổng kinh phí dự toán là 4.782 triệu đồng với tổng chiều dài là 3.491 m; trong đó Nhà nước cấp 3.118 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 1.664 triệu đồng. Hiện 3 công trình đã được nghiệm thu, còn 3 công trình đang được thi công.
 
Ông Trần Hữu Nhiệm - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Là xã thuần nông thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà, Đan Phượng có 14 dân tộc anh em từ nhiều vùng, miền trên cả nước về cùng sinh sống và lập nghiệp, trong đó phần đông là người dân của huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới tại Lâm Đồng. Đã từng là địa phương cuối cùng của huyện Lâm Hà nằm sót lại trong danh sách xã nghèo theo Chương trình 135 của Chính phủ, đến nay, Đan Phượng đang dần có những bước chuyển mình tích cực. Từ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính quyền, sự đoàn kết nỗ lực của Nhân dân, Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Đây cũng là thành quả của việc thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới, xóa dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, tạo diện mạo mới cho xã miền núi trên con đường chuyển mình để hội nhập và phát triển. Sự đổi thay đó, đến từ chính bàn tay của những người con xa quê với cây dâu, con tằm, và cả sự hài lòng trên miền đất mới.
 
THÂN THU HIỀN