Nhiều giải pháp đã được UBND thành phố Đà Lạt đưa ra nhằm tăng cường công tác cải cách hành chính trên địa bàn những tháng cuối năm 2022, đặc biệt, trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính các cấp.
|
Người dân đến làm Căn cước công dân tại Bộ phận Một cửa UBND thành phố Đà Lạt |
•
NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
UBND TP Đà Lạt cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn, tăng cường giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, người dân; đồng thời, chấn chỉnh tác phong, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị, cá nhân khi giải quyết trễ hạn hồ sơ TTHC.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tính từ ngày 6/12/2021 đến ngày 5/6/2022, thành phố đã tiếp nhận tổng cộng 54.683 hồ sơ; giải quyết trước hạn, đúng hạn 54.590 hồ sơ, đạt 99,83% (giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2021). Trong số này UBND thành phố tiếp nhận 8.348 hồ sơ, giải quyết trước hạn, đúng hạn 8.255 hồ sơ (trong đó có 732 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết), đạt tỷ lệ 98,89% (giảm 0,58% so với cùng kỳ năm 2021); còn các phường, xã tiếp nhận 46.335 hồ sơ, toàn bộ đã được giải quyết trước hạn, đúng hạn, đạt tỷ lệ 100%.
Cũng nói thêm rằng, trong 2 năm gần đây, Đà Lạt là địa phương dẫn đầu Lâm Đồng về tỷ lệ hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC. Qua khảo sát của Sở Nội vụ Lâm Đồng trong năm 2021, tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức về cung cấp dịch vụ công của Đà Lạt tiếp tục tăng, tăng 2,51% so với năm 2020.
Thành phố cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành và tích hợp Trung tâm IOC, sử dụng các phần mềm quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; tăng cường vận động người dân, tổ chức ứng dụng mạng điện tử để giải quyết TTHC mức độ 3, 4. Tại Bộ phận Một cửa thành phố hiện có bố trí bộ phận hướng dẫn người dân, tổ chức tìm hiểu và thao tác thực hiện để sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, như UBND thành phố Đà Lạt đánh giá, mặc dù tỷ lệ giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức trong lĩnh vực xây dựng đạt tỷ lệ 98,58% (tăng 0,12% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng vẫn chưa đạt mức mà thành phố đề ra trước đó. Nhiều hồ sơ trong lĩnh vực đất đai có tình trạng pháp lý phức tạp, không rõ ràng về thời điểm và quá trình sử dụng cũng như thời điểm tạo lập nhà ở, liên quan đến tiền sử dụng đất, do đó nhiều trường hợp phải xác minh nhiều lần về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, nhà ở để giải quyết đúng quy định; do đó tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu trong lĩnh vực đất đai chỉ đạt 94,2%, giảm 4,49% so với năm trước.
Cùng đó, công tác phối hợp giải quyết hồ sơ TTHC giữa một số cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức có lúc còn chưa tốt, chưa chủ động trao đổi để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu.
Trong những tháng đầu năm nay, do dịch bệnh COVID-19 còn ảnh hưởng nên UBND thành phố Đà Lạt tạm thời chưa tổ chức mời làm việc, đối thoại với người dân, cho nên việc giải quyết hồ sơ thủ tục lĩnh vực khiếu nại, tố cáo tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 95,12%, giảm 4,88% so với cùng kỳ năm 2021.
Một vướng mắc khác là việc triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên địa bàn thành phố Đà Lạt thực hiện chưa đảm bảo theo quy định do các cán bộ công chức làm công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bản sao điện tử từ bản chính chưa được tập huấn về nghiệp vụ; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều đơn vị chưa bảo đảm, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết hồ sơ chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Một điểm khó nữa là việc vận động người dân tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như mong muốn. Mặc dù số lượng hồ sơ TTHC mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến tại thành phố đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, chỉ chiếm tỷ lệ 11,44% so với hồ sơ thực tế tiếp nhận và giải quyết. Rất nhiều người dân, tổ chức dù đã được vận động nhưng vẫn e ngại khi truy cập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
•
NHỮNG GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY
Trong những tháng cuối năm, UBND thành phố Đà Lạt cho biết, thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nội dung của công tác CCHC theo kế hoạch đã đề ra trong năm. Trong đó, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, phường, xã rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác CCHC năm 2022, xác định rõ trách nhiệm trong triển khai công tác CCHC nói chung, cải cách TTHC nói riêng là thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát TTHC, nhất là việc rà soát TTHC, giải quyết hồ sơ TTHC; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC trễ hạn, quá hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, chấn chỉnh lề lối tác phong làm việc của đội ngũ CBCCVC thành phố theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi vi phạm trong thi hành công vụ, trong giải quyết TTHC trễ hạn cho người dân, tổ chức.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; đẩy mạnh đối thoại, tiếp nhận thông tin của tổ chức, người dân về các vấn đề liên quan đến giải quyết TTHC; về tác phong, thái độ giao tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ; tiếp nhận và xử lý thông tin các vụ việc về trật tự đô thị, môi trường, về giải quyết TTHC được người dân phản ánh trên Trang thông tin điện tử thành phố, trên Ứng dụng Đà Lạt trực tuyến và qua số điện thoại tiếp nhận ý kiến của Ban Tiếp công dân, của hệ thống đầu mối kiểm soát TTHC và của Tổ Kiểm tra công vụ thành phố.
Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, đặc biệt là khai thác hiệu quả hệ thống quản lý văn bản, hệ thống một cửa điện tử, thư điện tử công vụ, chữ ký số và ứng dụng Đà Lạt trực tuyến; tiếp tục vận động người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 khi giải quyết hồ sơ TTHC; đưa vào ứng dụng dịch vụ công trực tuyến một số TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ; vận động dân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích.
Trong dịp này, thành phố Đà Lạt cũng đề nghị Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng mở các lớp tập huấn dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính để nhân viên bưu điện thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thành phố, công chức Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch tại UBND các phường, xã nắm rõ và thực hiện đảm bảo theo quy định.
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin