Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề và chất lượng lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.
|
Các cơ sở dạy nghề bổ sung nhiều danh mục nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện nay |
Tỉnh Lâm Đồng với sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, vì vậy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được xác định là vị trí chiến lược. Trong đó, vai trò của công tác dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác dạy nghề được đổi mới với những giải pháp gắn với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước gắn với nhu cầu và nâng cao hiệu quả sản xuất, các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn. Qua đó, xây dựng các mô hình kinh tế hộ, đặc biệt đối với người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành nhóm nghề nông nghiệp, chuyển đổi giống cà phê, chăm sóc cây công nghiệp dài ngày... từng bước tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nhiều lao động được học nghề phi nông nghiệp như vận hành - sửa chữa máy nông nghiệp, thêu tay, đan bèo, may công nghiệp, móc len, hàn tiện, cơ khí, kỹ thuật chế biến món ăn... Qua đào tạo nghề, có trên 70% lao động có việc làm phù hợp với nghề, trong đó có 50% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 5 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (11 trung tâm thuộc UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc, 7 trung tâm ngoài công lập), 14 doanh nghiệp tham gia đào tạo trình độ sơ cấp. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu học nghề của người dân và trình độ phát triển của khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn 2011-2020, đặt hàng các cơ sở đào tạo xây dựng mới 13 chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp, chỉnh sửa, bổ sung 32 chương trình. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề rà soát, bổ sung danh mục nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện nay.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 13 ngàn lao động nông thôn trong độ tuổi thanh niên và hơn 24 ngàn nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng xây dựng nông thôn mới theo Đề án 1956, trung bình mỗi năm hỗ trợ đào tạo cho trên 4 ngàn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 34% (từ 35% năm 2011 lên 69% năm 2020). Tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 trên 57 tỷ đồng, trong đó kinh phí trung ương gần 27 tỷ đồng và kinh phí địa phương trên 30 tỷ đồng. Số lao động sau học nghề có việc làm chiếm 86,2%, trong đó nông nghiệp đạt 89,2%, phi nông nghiệp đạt 80,6%. Việc đổi mới trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tạo bước đột phá về chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề. Người lao động sau khi hoàn thành khóa học đã ứng dụng các kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi...
VIỆT HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin