[links()]
Với lợi thế về địa hình, khí hậu, Lâm Đồng có quỹ đất rừng lên tới khoảng 539 ngàn ha và 300 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp được phân bố theo các tiểu vùng khí hậu đặc trưng là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển các chủng loại dược liệu có giá trị dược tính cao, hình thành vùng nguyên liệu dược liệu lớn, tập trung, phong phú. Trong đó, nhiều loài dược liệu quý, hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam như lan gấm, thông đỏ… Nhiều sản phẩm dược liệu đã xây dựng được giá trị thương hiệu cao, có chỗ đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế như: atiso, linh chi, đông trùng hạ thảo, diệp hạ châu...
Bài 1: Xác định khu vực bảo tồn và cây thuốc chủ lực
Việc xác định các khu vực bảo tồn cũng như hướng phát triển các loại dược liệu quý, hiếm lên đến hàng ngàn ha sẽ đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm bảo tồn, sản xuất các loại dược liệu lớn ở Việt Nam.
|
Cây lan gấm có trong Sách đỏ Việt Nam được Tiến sĩ Phan Xuân Huyên - Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên nghiên cứu, nuôi trồng thành công ở điều kiện ngoài vườn ươm |
•
BẢO TỒN VÙNG DƯỢC LIỆU
Tỉnh Lâm Đồng đã xác định 6 khu vực bảo tồn các loại dược liệu quý, hiếm trên địa bàn tỉnh đại diện cho các khu vực sinh thái khác nhau. Thực hiện khoanh vùng bảo vệ, không khai thác thương mại đối với các loài dược liệu thuộc danh mục quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
6 khu vực bảo tồn các loại dược liệu quý, hiếm bao gồm: Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà bảo tồn 11 loài dược liệu. Trong đó, có 6 loài thuộc danh mục CITES gồm: bình vôi, lan kim tuyến, hoàng liên ô rô, sâm LangBiang, cốt toái bổ, du sam và 5 loài ngoài CITES gồm: hà thủ ô đỏ, chè dây, thổ phục linh, nấm linh chi, trà hoa vàng.
Vườn Quốc gia Cát Tiên thực hiện bảo tồn 11 loài. Trong đó, có 6 loài thuộc danh mục CITES gồm: bình vôi, hoàng đằng, vàng đắng, cẩu tích, tắc kè đá, thạch tùng răng cưa và 5 loại ngoài CITES gồm: sâm cau, thiên niên kiện, hà thủ ô đỏ, chè dây, lười ươi.
Rừng Phòng hộ Sêrêpốk - Đam Rông thực hiện bảo tồn 6 loài dược liệu. Trong đó, có 2 loài thuộc danh mục CITES gồm: lan kim tuyến, sâm LangBiang và 4 loài ngoài CITES gồm: hà thủ ô đỏ, chè dây, thổ phục linh, nấm linh chi.
Rừng Phòng hộ Nam Ban - Tiểu khu 265, 269 thực hiện bảo tồn 3 loại ngoài danh mục CITES gồm: hà thủ ô đỏ, sâm cau, huyết đằng.
Rừng Phòng hộ Nam Huoai - xã Đạ P’Loa và thị trấn Đạ Mri thực hiện bảo tồn 4 loại dược liệu ngoài danh mục CITES gồm: trà hoa vàng, sâm cau, chè dây, nấm linh chi.
Rừng Phòng hộ Hòa Bắc - Hòa Nam (huyện Di Linh) thực hiện bảo tồn 5 loại dược liệu ngoài danh mục CITES gồm: trà hoa vàng, sâm cau, chè dây, sâm bố chính, xáo tam phân.
•
ĐỊNH HƯỚNG CÁC VÙNG SẢN XUẤT DƯỢC LIỆU CHÍNH
Theo định hướng phát triển vùng trồng, sẽ phát triển khoảng 1.000 ha dược liệu trên đất nông nghiệp (762 ha trồng thuần, 238 ha trồng xen).Trong đó, với cây atiso, phát triển và mở rộng vùng sản xuất tại khu vực Đà Lạt, Lạc Dương với tổng diện tích khoảng 420 ha, sản lượng trên 20.000 tấn.
Cây đương quy, phát triển tại khu vực các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và Đam Rông với tổng diện tích trên 190 ha; sản lượng đạt khoảng 3.200 tấn. Đảng sâm phát triển tại khu vực Đà Lạt, Lạc Dương với tổng diện tích khoảng 33 ha, sản lượng 460 tấn. Diệp hạ châu sẽ mở rộng diện tích sản xuất tại các huyện Di Linh, Cát Tiên, Đạ Tẻh với tổng diện tích khoảng 52 ha, sản lượng đạt 470 tấn. Với nấm linh chi và đông trùng hạ thảo, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp phát triển, mở rộng diện tích nhà xưởng nuôi trồng đạt khoảng 6,5 ha tại khu vực Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng. Còn sâm Ngọc Linh sẽ nhân rộng diện tích từ các mô hình thử nghiệm tại khu vực phù hợp thuộc huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt với diện tích khoảng 10 ha.
Ngoài các loại dược liệu chủ lực nêu trên, tiếp tục phát triển sản xuất một số đối tượng dược liệu khác để đa dạng hóa chủng loại dược liệu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như: đinh lăng, nghệ đen, trà hoa vàng, nhân trần, bạc hà, sả, gừng… và tùy thuộc vào đặc điểm sinh trưởng từng loài và điều kiện sinh thái từng vùng mà bố trí sản xuất phù hợp với quy mô diện tích khoảng 289 ha.
Trên đất lâm nghiệp, phát triển khoảng 1.000 ha dược liệu trồng xen dưới tán rừng với các loại dược liệu đặc hữu như: sâm Ngọc Linh, đinh lăng, chè dây, trà hoa vàng, hà thủ ô đỏ, thông đỏ, hoàng liên ô rô, đảng sâm, thanh mai... trên các diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ có điều kiện phù hợp hiện đang cho các doanh nghiệp thuê để thực hiện dự án đầu tư hoặc đã giao khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư.
(CÒN NỮA)
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin