Bám rừng làm báo

12:08, 19/08/2022
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam từng nói: “Nhà báo là một danh xưng nghề nghiệp đáng trân trọng, là sự trao truyền thiêng liêng và quý giá”. 
 
Tại hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng ở Bảo Lâm, tháng 7/2016.
Tại hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng ở Bảo Lâm, tháng 7/2016.
 
Tôi có duyên với nghiệp làm báo đã 40 năm và chính thức gắn bó với Báo Lâm Đồng 26 năm nay. May mắn làm báo vùng Tây Nguyên, gắn bó các vùng rừng với nhiều kỉ niệm của nghề mà ở đó, tôi chia sẻ với đồng nghiệp “đi khổ viết sướng”. Và, nhất là khi tác nghiệp phóng sự điều tra, cần lắm một trái tim yêu nghề, dấn thân thực sự. 
 
Báo Lâm Đồng kỉ niệm 45 năm phát hành số đầu tiên (19/8/1977 - 19/8/2022), kí ức rừng vẫn luôn nằm lòng trong tôi. Riêng đề tài về tài nguyên rừng đã cho tôi 2 Giải Báo chí Quốc gia, 2 giải báo chí toàn quốc và nhiều giải báo chí cấp tỉnh. Trong đầy ắp kỉ niệm đại ngàn dĩ nhiên là không thể kể hết. Có thể xem chuyến lội rừng đầu tiên để tác nghiệp là ở vùng Đạ Tẻh, khoảng năm 1997. Đúng mùa quả ươi chín rộ trên những cánh rừng, hàng trăm lượt người dân xâm hại rừng để thu hái trở thành điểm nóng phá rừng. Anh Làn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện đồng ý đề nghị của tôi được cùng tổ kiểm lâm vượt dốc núi Ma Thiên Lãnh rất cao, hiểm trở chứ không được san ủi và trải thảm nhựa như bây giờ. Súng với kiểm lâm, máy ảnh với tôi cùng bám nhau vạch lá luồn vào rừng sâu từ sáng sớm đến chiều tà. Thấy động, đối tượng phá rừng lẩn trốn, cánh rừng bình yên trở lại… Chuyến đi giúp tôi có phóng sự “Bời lời đổ máu” và đoạt giải báo chí tỉnh. 
 
Thời điểm vùng rừng Yahoa huyện Đơn Dương giáp ranh tỉnh Ninh Thuận đang là điểm nóng nhất về phá rừng Lâm Đồng, tôi tham gia mấy chuyến đi. Cùng Kiểm lâm Đơn Dương chúng tôi ăn ngủ giữa rừng. Tôi vẫn nhớ trong một đêm, đoàn truy quét trụ lại Ngã ba Ngo, là cửa ngõ lâm tặc thường xuyên vào ra. Ăn vội, mọi người tìm nơi mắc võng theo thế gọng kìm và yểm trợ nhau khi có biến. Chiến sĩ công an đưa tôi khẩu súng côn bắn đạn hơi cay và dặn: “Đêm nay nếu chúng nó (lâm tặc) tấn công thì bác nhớ đứng trên gió bắn để tự vệ nhé”. Nếu đứng dưới gió hơi cay sẽ phương hại cho mình. Hơn 21 giờ, bắt đầu kìn kìn xe bò kéo vào. Đoàn truy quét giữ lại, ngay tức thì ào ào lâm tặc bủa vây tứ phía hô hét, chửi bới, ném đá tấn công. Ô tô vỡ kính, một vài người trong đoàn bị thương nhẹ. Cả buổi chiều và tối đoàn thu giữ nhiều tang vật vi phạm là xe máy và gỗ còn bò chỉ giữ được 2 trong hơn chục con vì “lâm tặc” nhanh chóng cắt ngay dây thừng để giải thoát. Cả đêm đấy chúng tôi không thể ngủ vì “lâm tặc” rập rình tấn công. Tiếng cưa máy cắt gỗ trái phép vẫn vọng vang trong rừng xanh... Sáng, đoàn rút đi bộ ngược lên Đơn Dương theo vách núi cheo leo đến sập tối mới cập được khu dân cư... Sau những chuyến đi Ya Hoa, tôi có phóng sự dài kỳ đoạt giải báo chí tỉnh và thu hút bạn đọc khi đăng báo Trung ương vào năm 2006. Nhờ những quyết liệt năm ấy của tỉnh Lâm Đồng bây giờ rừng Ya Hoa bình yên. Đầu năm 2022, tôi trở lại với đoàn kiểm lâm, ngủ lại đêm giữa vùng ranh và minh định được điều này. 
 
Cùng nhau vượt qua suối
Cùng nhau vượt qua suối
 
Năm 2016, vùng rừng giáp ranh tỉnh Đắk Nông, thuộc địa bàn huyện Bảo Lâm, tôi theo đoàn kiểm lâm và Công an của Bộ và tỉnh khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng tại thượng lưu công trình Thủy điện Đồng Nai 5. Năm ngày đêm leo cao luồn sâu trong rừng vô cùng gian khổ. Đã có chiến sĩ của Bộ Công an đành bỏ cuộc leo núi vì trơn trượt và kiệt sức. Với tôi, trước thảm trạng hiện trường rừng bị thiệt hại trên 300 m 3 không thể bỏ cuộc để ghi lại những tư liệu quý. Chuyến đi bí mật bất ngờ, tôi không mang theo thêm áo quần nên được anh Hà kiểm lâm cho chiếc áo lót thay vì đất bùn và giúp tôi bám trọn đợt đi. Sau đó, kết hợp tư liệu của đợt truy quét tại vùng rừng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận với huyện Di Linh tôi đủ tư liệu để sáng tạo tác phẩm “Khẩn cứu rừng giáp ranh Tây Nguyên” đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia. Đợt truy quét vùng rừng Di Linh chúng tôi ở lại đêm trong rừng, hơn 2 giờ sáng trưởng đoàn Võ Danh Tuyên (giờ là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bất ngờ ra lệnh hành quân. Người mệt ở lại canh 5 “lâm tặc” tạm giữ từ lúc chiều, 12 người gồm 10 kiểm lâm, 1 công an và tôi mò mẫm trong màn đêm đen đầy hiểm nguy, không nói chuyện, không bật đèn để giữ bí mật. Theo thông tin đã trinh sát, chúng tôi bám sát nhau, mỗi người một chiếc gậy vừa chống vừa làm vũ khí tự vệ, vượt mấy con suối xiết chảy, đá trơn, nước ngập đến ngực. Nhờ bí mật và bất ngờ, đoàn đã tóm được thêm 8 “lâm tặc” khi còn đang nằm thiếp trong võng một cách an toàn tính mạng. Với tôi, những chuyến như thế cũng như nhiều người có xây xát, có máu chảy nhưng điều quan trọng còn là bảo toàn được chiếc máy chụp ảnh.
 
Đầu năm 2022, tôi tiếp tục đi vùng rừng Di Linh, thấu qua tỉnh Bình Thuận, nơi trước đó có 3 lâm tặc chống trả lực lượng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh cướp tang vật vi phạm là xe máy chở gỗ. Sau đêm ngủ lại giữa rừng, chúng tôi hành quân đến gần sông Quao và tôi đã đề nghị dừng lại để ghi sự việc một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh lợi dụng nhận đất rừng thay vì trồng cây lâm nghiệp lại trồng cây nông nghiệp. Chuyến đi giữa mùa khô hạn, không quá vất vả nhưng nắm được thực trạng quý giá này... 
 
Còn chuyến đi trước đó, 3 ngày đêm quần với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, khu vực giáp ranh tỉnh Khánh Hòa. Gian khổ bởi mưa lạnh mịt mùng, ngã lên ngã xuống vì trơn trượt, dốc dựng đứng, vực thẳm sâu, vắt đất, vắt lá tùm lum bâu... Những hộp gỗ và gốc pơmu sót lại của 13 “lâm tặc” trước đây tàn phá và đã bị xử lý hình sự. Sau đêm căng lán ngủ lại giữa rừng mưa, đoàn chúng tôi đổ đèo Khánh Vĩnh trong đêm. Những hộp gỗ mới còn tấp bên quốc lộ… Rừng vẫn luôn tiềm ẩn bị tàn phá. Và, rừng xanh vẫn mong những nhà báo có mặt! 
 
PHAN MINH ĐẠO