Đồng hành với sự phát triển toàn diện của Bảo Lâm

12:08, 19/08/2022
Tận dụng các điều kiện tự nhiên có sẵn, nắm bắt từng cơ hội, Bảo Lâm đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, đưa địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Bảo Lâm luôn có sự chung sức, đồng hành của Báo Lâm Đồng.
 
Năm 1994, Bảo Lâm được tách ra từ huyện Bảo Lộc, theo Nghị quyết 65, ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Từ một địa phương còn nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực và cơ sở hạ tầng, đến nay, Bảo Lâm đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng - hệ thống chính trị, và diện mạo cũng không ngừng thay đổi, ngày một khang trang, hiện đại hơn. Bảo Lâm hiện có 13 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Ông Cao Văn Hưng (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm) kể, năm 1986, ông tình nguyện đi kinh tế mới vào Vùng III, khu vực Đạ Tẻh - Cát Tiên bây giờ. Sau đó, năm 1990, ông ngược lên Lộc Nam, và chọn nơi đây để định cư, phát triển kinh tế. Hiện tại, ông trồng rầu riêng, chuối, bơ, mít... trên diện tích 1 ha để phát triển kinh tế gia đình. Ông Hưng bảo: “Tôi trồng nhiều loại cây như vậy là để lấy ngắn nuôi dài, lấy cây này bù cho cây nọ. Với mô hình canh tác đa canh này, gia đình lúc nào cũng có nguồn thu nhập. Chỉ riêng nguồn thu từ cây sầu riêng, mỗi năm tôi đã thu về hơn 300 triệu đồng. So với trước kia, cuộc sống bây giờ quả là một trời một vực”. 
 
Cũng đi kinh tế mới như ông Hưng, ông Phạm Văn Biên (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) chia sẻ: “Thời điểm tôi mới vào Lộc An, năm 1995, nơi đây còn rất hoang vu. Tôi vừa khai hoang, phục hóa, vừa tích cóp, dành dụm tiền bạc mua thêm đất để đầu tư sản xuất. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình tôi vào khoảng 840 triệu đồng/năm”. Ông Biên cho biết thêm: “Tôi thường xuyên đọc Báo Lâm Đồng. Nhờ đó, tôi không những nắm bắt được các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng, còn học hỏi thêm từ các tấm gương làm kinh tế giỏi mà báo phản ánh để áp dụng vào sản xuất. Những kiến thức mà tôi thu nhập được là những kinh nghiệm rất quý!”.
 
Ông Trịnh Văn Thế (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm) cho hay: “Qua những thông tin trên báo, tôi cũng đã học được cách trị những bệnh hại phổ biến ở cây cà phê. Sầu riêng của tôi luôn có trái đẹp, ngon cơm, cây thì ít sâu bệnh”. 
 
Theo UBND huyện Bảo Lâm, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, gắn với tiêu thụ sản phẩm, cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 
 
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu trên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - Đồng Văn Trường, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Bảo Lâm, vai trò cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân của báo Đảng địa phương cũng rất quan trọng: thông tin kịp thời, tuyên truyền các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, những mặt tích cực và phát hiện những mặt còn hạn chế để địa phương đưa ra giải pháp khắc phục có hiệu quả.
 
TRIỀU KA