Thị trường xuất khẩu lao động còn gặp nhiều khó khăn

06:08, 24/08/2022
Sau 2 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, thời điểm này, nhiều nước bắt đầu mở cửa đón lao động nước ngoài trở lại làm việc; công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang từng bước phục hồi. Dù không thuộc nhóm các tỉnh, thành có tỉ lệ lao động làm việc tại nước ngoài cao nhưng thị trường XKLĐ vẫn là nơi để người lao động Lâm Đồng tìm kiếm cơ hội việc làm với thu nhập cao. 
 
Hoạt động tư vấn XKLĐ được tổ chức lồng ghép trong các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm tại các địa phương
Hoạt động tư vấn XKLĐ được tổ chức lồng ghép trong các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm tại các địa phương
 
Ông Hoàng Trọng Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong nỗ lực nối lại các thị trường XKLĐ, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và các đoàn thể để tuyển chọn lao động có đủ điều kiện đưa đi XKLĐ. 
 
Từ trước đến nay, Lâm Đồng không thuộc nhóm các tỉnh, thành có tỉ lệ lao động xuất khẩu trung bình của cả nước. Hằng năm có khoảng 100 lao động hoàn thành các thủ tục đi làm việc tại thị trường nước ngoài. 
 
Trong hai năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, thậm chí là đóng cửa. Vấn đề giải quyết việc làm trong và ngoài nước cho người lao động ngày càng khó khăn. Nhiều đơn hàng từ năm 2020, 2021 vẫn còn tồn lại không thể xuất cảnh vì một số nước tiếp nhận lao động vẫn chưa mở cửa đón lao động do dịch bệnh. 
 
Sau một năm gần như đóng băng hoàn toàn, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp tổ chức xuất cảnh cho 7 lao động đi làm việc ở Nhật Bản. Đây đều là các trường hợp đã đỗ đơn hàng từ năm 2021 bị gián đoạn do dịch COVID-19. Từ đầu năm đến nay, đã có 30 lao động được tư vấn và mục tiêu cả năm 2022 cũng chỉ có 30 lao động được xuất cảnh, thấp hơn nhiều so với mọi năm.
 
Theo ông Vinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chưa thực sự mặn mà quay trở lại với XKLĐ, trong đó phải kể đến hậu quả của đại dịch khiến tâm lý người lao động còn nhiều e ngại, sợ bị hủy đơn hàng, hoãn thời gian xuất cảnh nên chưa mạnh dạn đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Một vài thị trường vốn là lựa chọn hàng đầu của người lao động như Nhật Bản, Đài Loan và một số quốc gia châu Âu thì tình hình kinh tế, chính trị không ổn định, ảnh hưởng bởi chiến tranh cũng khiến người lao động hoài nghi, do dự. Bên cạnh đó là việc thay đổi một số chính sách liên quan đến XKLĐ như chỉ hỗ trợ kinh phí ban đầu cho đối tượng ưu tiên theo quy định gồm hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng...
 
Đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm, ngân sách dành cho công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động không có, Trung tâm phải cân đối, điều tiết, lồng ghép tư vấn XKLĐ trong các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, nhân sự làm công tác tư vấn XKLĐ còn quá mỏng, văn phòng đại diện tại Bảo Lộc còn ít người nên chưa thể tập trung các nguồn lực để tư vấn XKLĐ.
 
Theo ông Vinh, trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động XKLĐ hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người lao động những thị trường lao động có tiềm năng, lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, đủ tư cách pháp nhân, được phép tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tránh những hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, gây thiệt hại cho cả người lao động lẫn uy tín từ các đơn vị tham gia tư vấn.
 
Trung tâm cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phối và các đoàn thể, đội ngũ cộng tác viên để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tổ chức các chương trình tư vấn tập trung tại địa bàn dân cư, tư vấn hộ gia đình. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền XKLĐ qua các kênh như: website, mạng xã hội, người thân của lao động... Đối với các lao động đã đủ tiêu chuẩn thì phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị để chuẩn bị, bồi dưỡng tay nghề, trình độ ngoại ngữ cho người lao động để chuẩn bị nguồn lao động có thể tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế.
 
“Qua các phiên giao dịch việc làm và qua đối thoại tư vấn trực tiếp thì hiện nay, nhiều người lao động cũng mong chờ Chính phủ có thể xúc tiến, ký kết với các thị trường tiềm năng như Australia và Canada theo các biên bản ghi nhớ với các đầu việc trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với trình độ, tay nghề của lao động”, ông Vinh cho biết thêm.
 
H.THẮM